Nhà đầu tư chưa kỳ vọng với cổ phiếu Sacombank?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 13/11/2017 16:00 PM (GMT+7)
Gần nửa năm sau khi tiếp quản Sacombank, dường như ông Dương Công Minh chưa thực sự tạo được niềm tin cho giới đầu tư khi cổ phiếu STB vẫn “lẹt đẹt”, thậm chí còn thấp hơn so với thời điểm trước khi ông Minh về với nhà băng này.
Bình luận 0

Kết thúc phiên giao dịch 13.11, thị giá cổ phiếu STB còn 11.200 đồng/cổ phiếu. Có thể thấy, cổ phiếu STB dù đã và đang có khá nhiều thông tin hỗ trợ tích cực nhưng dường như vẫn chưa thực sự tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

img

Nhà đầu tư chưa kỳ vọng với cổ phiếu Sacombank?

Cổ phiếu vẫn... “lẹt đẹt”

Kể từ đầu năm 2017, cổ phiếu STB đã bật tăng mạnh mẽ, từ mức giá 8.790 đồng/cổ phiếu trong phiên 30.12.2016, STB đã nhanh chóng vượt qua mức mệnh giá (10.000 đồng/CP) và dần leo lên mức “đỉnh” 14.600 đồng/CP (phiên giao dịch 21.6.2017). Đây cũng là mức cao nhất của cổ phiếu này trong vòng 1 năm qua. Những tưởng, cổ phiếu STB sẽ tiếp tục thiết lập những “đỉnh” mới khi ĐHĐCĐ thường niên 2017, STB đã có  được ‘dàn’ lãnh đạo mới với ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT (được bầu với tỷ lệ 198%). Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch 30.6 (ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017), cổ phiếu STB đã giảm xuống 13.800 đồng/cổ phiếu.

Tiếp diễn những tuần sau đó, cổ phiếu STB liên tục giảm dù nhà băng này liên tục được trợ giá khá tốt từ các thông tin truyền thông.

Cụ thể, ngay khi đắc cử vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Minh khẳng định sẽ đưa lợi nhuận Sacombank lên hơn 1.000 tỷ đồng. Kế đến là một loạt các thông tin như Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của STB với thời gian thực hiện đến hết năm 2025 và các kiến nghị của Sacombank về một số cơ chế và giải pháp để xử lý các khoản lãi dự thu, trái phiếu đặc biệt VAMC, các khoản nợ xấu... đã được NHNN phê duyệt. Cùng một loạt các thông tin tốt về xử lý nợ xấu, lợi nhuận sau thuế quý 2, quý 3, lũy kế 9 tháng...

Tuy nhiên, những thông tin trên chỉ hỗ trợ STB tăng điểm một vài phiên. Thậm chí, sau khi STB báo lợi nhuận trước thuế đạt 1.025 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái nhưng cổ phiếu STB vẫn “lẹt đẹt” quanh vùng quá 11.000 đồng/CP.

Vì sao cổ phiếu STB không có chuyển biến tích cực dù kết quả kinh doanh và hoạt động khá khả quan sau khi có “dàn’ lãnh đạo mới và hàng loạt các ưu tiên giải quyết nợ xấu?

Một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, nhìn vào các chỉ số trên báo cáo tài chính của Sacombank 9 tháng qua có thể thấy, mặc dù ghi nhận khoản lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng nhưng tình hình nợ xấu của Sacombank vẫn... rất căng. Cụ thể, dù STB công bố nợ xấu chỉ ở mức 5,95% nhưng cần lưu ý đây chỉ là con số nợ xấu nội bảng. Nếu tính thêm khoản nợ xấu tại VAMC ước tính đã tăng lên mức khoảng 45.000 tỷ đồng thì tỷ lệ nợ xấu của Sacombank hiện ở mức trên 21%.

“Đó là chưa kể đến lượng nợ xấu tiềm ẩn trong hơn 40.306 tỷ đồng các khoản phải thu và lãi dự thu, chiếm 11,09% tổng tài sản. Nếu tính cả khoản nợ xấu trong các khoản này thì con số nợ xấu sẽ tăng lên rất nhiều”, đại diện này phân tích.

Nhiều giao dịch thỏa thuận “bí ẩn”

Dù giá cổ phiếu STB thời gian gần đây không như kỳ vọng của nhà đầu tư, thế nhưng trên thị trường từ đầu năm đến nay liên tục có hàng loạt các giao dịch thỏa thuận số lượng lớn cổ phiếu STB một cách khá bí ẩn mà nhiều đồn đoán trên thị trường cho rằng đằng sau đó là nhóm cổ đông ủng hộ ông Dương Công Minh đang chi phối.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 5.6 ghi nhận có đến hơn 25,4 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 327,5 tỷ đồng. Tiếp đến, phiên giao dịch 13.6 có gần 16 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị gần 205 tỷ đồng; phiên giao dịch 23.6 ghi nhận gần 16 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 222,5 tỷ đồng... Gần đây nhất, phiên 28.9 có khoảng hơn 15,5 triệu cổ phiếu được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị gần 204 tỷ đồng.

Dù chưa có cơ sở để nói nhóm cổ đông ủng hộ ông Dương Công Minh đang thâu tóm cổ phiếu STB như tin đồn trên thị trường, nhưng theo một nguồn tin trên VnEconomy, ông Dương Công Minh cùng các tổ chức và cá nhân liên quan đã đầu tư khoảng 17% cổ phần Sacombank, trong đó cá nhân ông đã đầu tư khoảng 5%. Theo kế hoạch, nhóm này  cũng sẽ nâng tỷ lệ cổ phần lên 20%. Trong khi đó, trên báo cáo tỷ lệ sở hữu STB được công bố đến thời điểm hiện tại, Eximbank đang là cổ đông lớn nhất của STB với tỷ lệ 8,76%; kế đến là ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Trầm Bê) sở hữu 4,73%; Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn EXIM nắm 3,49%; ông Dương Công Minh chỉ nắm 3.21%; Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu nắm 2,09%; Market Vectors Vietnam ETF nắm 2,05%. Các cổ đông còn lại nắm 75,67%.

Ngoài ra, trên thị trường còn có thông tin các cổ đông và các nhóm ủng hộ ông Dương Công Minh sẽ lên kế hoạch mua tiếp hơn 52% cổ phần mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang nhận ủy quyền. Tính theo thị giá hiện tại (11.200 đồng/CP), 52% cổ phần này (tương đương gần 938 triệu cổ phiếu) sẽ có tổng giá trị hơn 10.505 tỷ đồng.

Dù thông tin này có chính xác hay không, thì với mức giá 11.200 đồng/CP như hiện tại, việc ai “thâu tóm” lượng cổ phiếu này cũng sẽ thuận lợi và rẻ hơn so với việc phải bỏ ra hơn 13.600 tỷ đồng khi STB ở mức “đỉnh” 14.600 đồng/CP hồi tháng 6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem