Nhà đầu tư “ngóng” chờ mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2020
Theo kế hoạch, tháng 3-4 là mùa đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) của các ngân hàng, tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 mới chỉ có 2 ngân hàng tổ chức thành công, các ngân hàng còn lại đã có thông báo hoãn ĐHĐCĐ, chờ đến lúc thích hợp.
Hoãn ĐHCĐ vì dịch bệnh
Hầu hết các ngân hàng đã lên kế hoạch ĐHĐCĐ ngay từ đầu năm 2020, nhưng đến nay đã phải thông báo hoãn do thời gian dự kiến tổ chức rơi vào cao điểm dịch và Việt Nam đang trong đợt cách ly xã hội.
Tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 2 ngân hàng là BIDV và KienLongBank tổ chức thành công ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, khác với không khí đông đúc, nhộn nhịp những năm trước, ĐHĐCĐ năm nay có phần trầm lắng, số lượng cổ đông đến tham dự giảm hơn nhiều so với mọi năm. Chẳng hạn, BIDV có chỉ vỏn vẹn 146 cổ đông đến tham dự, nhưng đủ điều kiện về số lượng cổ phần có quyền biểu quyết để tiến hành ĐHĐCĐ theo luật định.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Sẽ vô cùng khó khăn cho các ngân hàng thương mại tư nhân nếu tổ chức ÐHĐCÐ trong thời điểm dịch bệnh này. Khi gửi giấy mời, cổ đông sẽ không thông báo về việc đến tham gia hay không, trong khi ngân hàng vẫn phải tiến hành các hoạt động hậu cần cho việc tổ chức. Ðến ngày họp, nếu lượng cổ đông có quyền biểu quyết đến tham dự không đủ tỷ lệ theo quy định thì đại hội sẽ không thành công và phải tổ chức lại. Ðây là sự lãng phí lớn cả về tài chính lẫn con người".
Trong tâm dịch, Ngân hàng Nhà nước cũng có Công điện số 02 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong thời gian phòng, chống dịch…
Chính vì vậy, dù một số ngân hàng đã chuẩn bị xong nhưng đến sát ngày ĐHĐCĐ phải huỷ và thông báo chờ đến khi dịch bệnh được khống chế. Còn một số ngân hàng lùi lịch sang tháng 6 như: MB, ACB…
Bên cạnh những xáo trộn trong kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ, các ngân hàng cũng đang "đau đầu" phải tính toán lại tất cả mục tiêu tăng trưởng trong năm nay cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn, SHB điều chỉnh giảm lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng, giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10%, giảm chi phí kinh doanh; NamABank cũng đặt mục tiêu lãi trước thuế 800 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước…
Cổ đông mong muốn điều gì?
Không chỉ ngân hàng đang đau đầu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà các nhà đầu tư cũng lo lắng về kế hoạch kinh doanh của ngân hàng, chính sách cổ tức cũng như giải pháp ứng phó trước dịch bệnh Covid-19 của ngân hàng ra sao?
Anh Hùng Anh, một cổ đông của Vietcombank cho biết, hiện nay, ngân hàng chưa đưa ra thông tin về việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận, nhưng được biết Vietcombank sẽ phải chia sẻ 40% lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền mặt để hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. "Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả ngành ngân hàng, những cổ đông như chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngân hàng. Tuy nhiên, tôi muốn biết kế hoạch kinh doanh, những biện pháp vượt dịch bệnh và khi dịch được khống chế để còn yên tâm đầu tư tiếp hay dừng", anh Hùng Anh nói.
Trong khi đó, chị Hoàng Lan, cho biết nhà đầu tư quan tâm đến cổ tức, cổ phiếu nên rất trông chờ ĐHĐCĐ. "Đại dịch làm mọi thứ đảo lộn, lãnh đạo ngân hàng đang đau đầu vì khó có thể đưa ra được kế hoạch kinh doanh như mọi năm bởi phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh, nên kể cả thời điểm này tổ chức ĐHĐCĐ thì cổ đông có chất vấn cũng khó có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mong lãnh đạo ngân hàng hết lòng và trung thực để nhà đầu tư an tâm", chị Lan bộc bạch.
Theo các chuyên gia, dù những ngày qua, Việt Nam chưa có thêm ca dương tính với Covid-19, song diễn biến của dịch vẫn còn phức tạp trên thế giới. Vì vậy, các doanh nghiệp và ngân hàng cũng không nên vội vàng tổ chức ĐHĐCĐ trong lúc này, thay vào đó là tìm cách "sống chung với dịch".
Lãnh đạo một số nhà băng cho biết, nếu sang tháng 5, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và áp dụng giãn cách xã hội, ngân hàng sẽ xin ý kiến cổ đông họp trực tuyến. Chẳng hạn, hiện Sacombank hủy cuộc họp ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức vào ngày 24/4 và lấy ý kiến cổ đông về việc họp bằng hình thức họp trực tuyến.
Cho rằng ĐHĐCĐ trực tuyến là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song đến nay hầu như chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ này, các doanh nghiệp chưa đưa vào điều lệ. Trong khi đó, quy chế quản trị nội bộ bắt buộc phải thông qua ĐHĐCĐ biểu quyết chứ không lấy ý kiến bằng văn bản. Vì vậy, việc tổ chức trực tuyến vẫn còn những khó khăn nhất định.