Nhà máy…không làm được giấy: Vay tiền nhập máy, bỏ mặc môi trường!

Hữu Danh Thứ tư, ngày 06/07/2016 10:32 AM (GMT+7)
Chủ đầu tư không có đồng nào đã được bảo lãnh vay vốn nhập thiết bị “không phù hợp” tiêu tốn hơn 57 triệu Euro. Trong khi đó, hơn 10 năm nay chủ đầu tư không làm hồ sơ nào liên quan đến bảo vệ môi trường...
Bình luận 0

Không đánh giá tác động môi trường

Theo hồ sơ, ngày 5.2.2004, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên ký Quyết định 143/QĐ-BTNMT về việc “Phê chuẩn Báo cáo Đánh giá tác động môi trường” (ĐTM) của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An). Theo đó, chủ dự án phải hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải trước khi dự án đi vào hoạt động; đảm bảo xử lý nước thải sản xuất đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp thải vào vực nước sông dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt với lưu lượng lớn hơn 200m3/s, cột F3 và tiêu chuẩn nước thải cột A trước khi đổ ra sông Vàm Cỏ Tây.

Định kỳ 6 tháng kể từ khi quyết định này có hiệu lực, chủ dự án phải có báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường gửi Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để theo dõi, kiểm tra; Sở TNMT tỉnh Long An sẽ phối hợp với Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường theo dõi, giám sát và kiểm tra các nội dung bảo vệ môi trường đã đề xuất trong ĐTM của dự án.

img

Dự án khổng lồ nằm cặp sông Vàm Cỏ Tây không hề có đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, hồ sơ lưu tại Sở TNMT Long An cho thấy, sau quyết định 143 của Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Nhà máy Bột giấy Phương Nam không có báo cáo gì về môi trường. Theo quy định của pháp luật, nếu nhà máy chưa đi vào sản xuất thì trong vòng 2 năm, quyết định 143 hết hạn, nhà máy phải làm ĐTM mới. Thế nhưng, từ ngày hết hạn đến nay, nhà máy cũng không có thêm hồ sơ môi trường nào khác.

“Tay không bắt giặc”

Trong khi đó, các công đoạn mua sắm, nhập thiết bị lại được thực hiện cấp tập dù chủ dự án không có vốn. Cụ thể, Dự án được phê duyệt báo cáo khả thi năm 2003, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng, dùng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% và hình thức triển khai là chìa khóa trao tay.

Tới ngày 16.11.2007, Tracodi có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án lên 2.286 tỷ đồng.

Tháng 6.2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã được chuyển từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco). Tại thời điểm này, Tracodi chỉ mới thực hiện 35% giá trị xây lắp (trị giá 38,8 tỷ đồng) của nhà sản xuất chính; Khu xử lý nước thải 40% (với giá trị 36 tỷ đồng); Nhà ở công nhân hoàn thành 30% (giá trị 6 tỷ đồng). Tuy nhiên, gói thầu mua sắm thiết bị được ký với nhà thầu Andritz được thực hiện và thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho nhà thầu Andritz với số tiền lên tới 57,097 triệu euro.

Theo hồ sơ, cuối năm 2012, Bộ Công thương đã tiến hành thẩm định tổng mức đầu tư mới và dựa trên kết quả này, Vinapaco đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới là 3.409 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân cho Dự án là 2.948 tỷ đồng, trong đó vốn vay trong nước là 1.952 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài là 968 tỷ đồng, vốn khác là 27 tỷ đồng. Vinapaco cũng đã ứng vốn cho Dự án khoảng 87 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Nam - Giám đốc nhà máy (nay đã nghỉ hưu) cho biết, công ty ông từ trước tới nay chỉ xây dựng chứ chưa từng làm giấy. “Chúng tôi không có vốn. Chính phủ bảo lãnh để vay tiền thực hiện dự án. Toàn bộ máy móc nhập về đều mới 100%”- ông Nam nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem