Nhà nông “hốt bạc” từ... du lịch nhà vườn

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 15/10/2016 13:30 PM (GMT+7)
Để chuẩn bị cho ý tưởng “du lịch nhà vườn”, trên mảnh đất rộng 5.000m2, ông Út cho trồng cây, đào ao thả cá, cất chòi lá... Và để du khách xem yến làm tổ, ông sẽ lắp kính phản quang thay vì xem qua camera.
Bình luận 0

Xây dựng NTM đang tạo khí thế trong sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM, là động lực để nhiều nông dân trở thành triệu phú nhờ đột phá vào những cây trồng, vật nuôi mới và đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Ông Đặng Xuân Bình - Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, hồ hởi chia sẻ: Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, một số nông dân Cần Giờ đang kết hợp với xây dựng mô hình nhà vườn du lịch để khai thác thế mạnh của địa phương và làm giàu.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Út (ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) - một nông dân nuôi yến, để tìm hiểu về mô hình “du lịch nhà vườn”. Nằm trên con đường nhỏ, căn nhà lầu khang trang và chiếc xe hơi 7 chỗ đậu trong sân, cơ ngơi ông Út “vượt trội” so với hàng xóm. Theo ông Út, ông là 1 trong 10 hộ dân được chọn nuôi yến thí điểm tại Tam Thôn Hiệp.

Hiện thu nhập từ nuôi yến của ông đạt mức hơn 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, “tham vọng” của ông Út không dừng lại ở việc nuôi yến. “Khi địa phương triển khai xây dựng NTM, đường sá ngày càng chỉn chu, tôi đã hình dung đến ngày Cần Giờ sẽ thu hút khách du lịch nườm nượp, du lịch nhà vườn sẽ hốt bạc” - ông Út thổ lộ.

img

Du khách nước ngoài xem thu hoạch trái cọ dầu trong vườn của anh Lê Phong Phú (Bình Chánh).  Ảnh: T.Đ

Để chuẩn bị cho ý tưởng “du lịch nhà vườn”, trên mảnh đất rộng 5.000m2, ông Út cho trồng cây, đào ao thả cá, cất chòi lá... Và để du khách xem yến làm tổ, ông sẽ lắp kính phản quang thay vì xem qua camera. Theo ông Út, mô hình du lịch sinh thái nhà vườn kết hợp tham quan mô hình nuôi yến rất phù hợp ở Cần Giờ.

Mới đây, làm việc với lãnh đạo huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng rất tâm đắc với kế hoạch phát triển kinh tế bằng cách khuyến khích nông dân làm dịch vụ du lịch. Ông đề nghị Cần Giờ phải chuyển hướng mạnh sang cách khai thác thế mạnh đặc trưng này chứ không chỉ loay hoay với hạt muối. Bí thư Thăng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc nuôi yến vì đây là nguồn lợi kinh tế lớn mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho địa phương. Huyện phải tạo điều kiện cho dân vay tiền, làm ăn lớn...

Từ 10 cơ sở được huyện Cần Giờ cho phép nuôi thí điểm tại xã Tam Thôn Hiệp, hiện số nhà yến tại 6 xã thuộc huyện Cần Giờ đã lên tới 232 căn, trong đó riêng xã Tam Thôn Hiệp có 118 căn. Đến nay, UBND TP.HCM chưa có văn bản chính thức quy hoạch vùng nuôi chim yến tập trung cho huyện Cần Giờ, tuy nhiên trước đó huyện Cần Giờ có đề xuất quy hoạch vùng nuôi yến tập trung trên đất nông nghiệp là 593ha tại xã Tam Thôn Hiệp và vùng nuôi phân tán là hơn 7.000ha, phân bổ tại 3 xã: Bình Khánh, An Thới Đông và Lý Nhơn.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Để nông dân đạt mức thu nhập 63 triệu đồng/người/năm, huyện sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem