Nhà ở xã hội "đói" vốn

Trần Kháng Thứ ba, ngày 20/04/2021 11:15 AM (GMT+7)
Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng, đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020.
Bình luận 0

Phát triển nhà ở xã hội mới đáp ứng 24% nhu cầu vốn

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 513 dự án nhà ở xã hội, với số lượng 16.160.000 m2 sàn. Trong đó đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng 5.210.000 m2 sàn, đạt tỷ lệ 42% so với kế hoạch. 264 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 10.950.000m2 sàn nhà ở.

Đáng chú ý, cả nước đã có 202 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với số lượng 7.342.969 m2 sàn; trong đó đã hoàn thành 111 dự án với quy mô xây dựng 2.301.909 m2 sàn, đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.041.060m2 sàn nhà ở.

Nhà ở xã hội "đói" vốn - Ảnh 1.

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn nhiều tồn tại, trong đó có thiếu nguồn vốn.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn tới mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là do một số tồn tại, vướng mắc.

Cụ thể: Thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020); Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội; Chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội. 

Tiếp đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 5, hàng năm theo quy định của pháp luật; Chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội.

Tiếp nữa, về phía các doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do các chính sách ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đã ban hành chưa đủ hấp dẫn; Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình thông qua việc mua, thuê nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội để cho công nhân thuê.

Cuối cùng là về phía các đối tượng chính sách xã hội. Người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, gia đình trẻ còn rất hạn chế, rất khó khăn về kinh tế; Tâm lý của đa số người nghèo, người thu nhập thấp vẫn muốn mua nhà ở xã hội, không muốn thuê.

Bộ Xây dựng đưa ra nhiều kiến nghị

Để khắc phục các tồn tại, khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị giải pháp và kiến nghị cụ thể.

Về hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng sẽ khẩn chương hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015/NĐ-CP;Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để phát triển nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội "đói" vốn - Ảnh 3.

Ngoài việc hoàn thiện thể chế, Bộ Xây dựng còn đưa ra hàng loạt kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Đối với việc tạo nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 thiết chế của công đoàn trên toàn bộ phạm vi diện tích đất do địa phương giới thiệu. Các địa phương thực hiện nghiêm quy định về bố trí quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Đồng thời, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư nghiên cứu, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung nguồn vốn cho các ngân hàng để cho vay, đặc biệt là nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 Ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để cho doanh nghiệp và người dân vay. Theo đó, cần phải bổ sung các Chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội vào danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn để có cơ sở bố trí vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017, trong đó xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị trong việc thực hiện đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" để phấn đấu đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem