Báo nước ngoài nức nở khen kiến trúc độc đáo nhà Rông Tây Nguyên

Chủ nhật, ngày 24/04/2022 11:51 AM (GMT+7)
Trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên, nhà rông có vị trí đặc biệt quan trọng và được ví như "nóc nhà" của đại ngàn, đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa chung của dân làng.
Bình luận 0

Mới đây, tờ Insider (Mỹ) đã có bài viết chia sẻ về những nét độc đáo trong kiến trúc nhà rông của đồng bào người Ba Na. Đây vốn là một trong 54 dân tộc tại Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Nguyên - nơi giáp biên giới với Lào và Campuchia.

Báo nước ngoài nức nở khen kiến trúc độc đáo nhà Rông Tây Nguyên - Ảnh 1.

Nhà rông truyền thống của người Ba Na

Natasha Pairaudeau, nhà nghiên cứu đến từ trung tâm lịch sử và kinh tế thuộc Đại học Cambridge, chia sẻ với Insider, mỗi làng của người Ba Na đều có một nhà rông riêng. Đây cũng là ngôi nhà cao nhất trong làng.

Khám phá kiến trúc bên trong nhà rông Tây Nguyên

Được biết, mỗi nhà rông điển hình thường cao từ 15 đến 20m, nhưng nó cũng có thể dựng cao lên tới hơn 30m. Nơi đây thường diễn ra các sự kiện quan trọng, những buổi hội họp của người dân. Các thanh thiếu niên người Ba Na tới nhà rông khi rảnh rỗi để tập cồng chiêng, múa hát. Và dù không phải là nhà để ở, nhưng nơi này vẫn đón tiếp các vị khách quý ngủ lại qua đêm.

Báo nước ngoài nức nở khen kiến trúc độc đáo nhà Rông Tây Nguyên - Ảnh 2.

Đây là nơi người dân sinh hoạt cộng đồng

Với nguyên liệu sẵn có trong vùng, nhà rông của người Ba Na chủ yếu làm từ tre và gỗ. Hai bên mái của nhà được vát nhọn tạo điểm nhất. Còn ở bên trong, các thanh tre buộc lại với nhau, làm trụ đỡ cho phần mái nhà.

"Hàng chục năm trước, khi nhà rông chuẩn bị được xây dựng, mỗi hộ gia đình người Ba Na được giao chỉ tiêu chuẩn bị một lượng tre nứa nhất định để làm mái", ông Dinh Blot, người cùng dân làng tham gia làm nhà rông ở làng Plei Hle Ktu, Gia Lai, cho biết. Cũng theo ông Dinh Blot, công trình mất 5 năm mới hoàn thành.

Trong khi đó, chuyên gia Natasha chia sẻ, nhà rông thường được dựng kiểu nhà sàn. Ngoài để chống lũ lụt, kiểu kiến trúc này còn giúp người dân tận dụng không gian bên dưới làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để lên nhà, người dân phải leo lên cột gỗ chạm khắc từng bậc thang. Bên trong nhà là một mặt sàn lớn và duy nhất, với sức chứa tất cả người dân trong làng.

Báo nước ngoài nức nở khen kiến trúc độc đáo nhà Rông Tây Nguyên - Ảnh 3.

Không gian rộng rãi bên trong

Do nhà rông là nơi tổ chức nhiều hoạt động tâm linh và tôn giáo nên nơi này cũng cất giữ nhiều vật dụng phục vụ cho nghi lễ truyền thống như rượu cần hay cồng chiêng.

"Vào dịp quan trọng, dân làng sẽ quây quần bên những bình rượu cần. Đó là một phần của buổi sinh hoạt cộng đồng", chuyên gia Natasha lý giải.

Nhiều năm gần đây, không ít những ngôi nhà rông truyền thống được sửa chữa phần mái bằng bê tông và kim loại. Ông Khép, một già làng ở làng Tnùng, Gia Lai, cho biết, do nhà rông được dựng mô phỏng giống nhà thời cha ông trước kia nên không thể tìm thấy bản thiết kế chi tiết.

Hiện giới chức địa phương đang nỗ lực cùng người dân bảo tồn và gìn giữ những ngôi nhà rông truyền thống. Trong đó, một số ngôi nhà đã mở cửa đón khách tới tham quan, tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của người Ba Na.

Báo nước ngoài nức nở khen kiến trúc độc đáo nhà Rông Tây Nguyên - Ảnh 4.

Ngôi nhà rông ở bảo tàng dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh: Insider

Vào tháng 6/2003, tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội, nhóm thợ thủ công người dân tộc Ba Na đã tạo dựng ngôi nhà rông mô phỏng theo truyền thống từ đầu những năm 1920.



Huy Hoàng (báo Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem