Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam 'méo mặt' vì 'cơn bão' giá xăng dầu tăng cao

Thế Anh Thứ bảy, ngày 12/03/2022 11:08 AM (GMT+7)
Dự án cao tốc Bắc - Nam gặp khó khăn chồng chất khó khăn hơn, khi giá xăng dầu tăng vọt kéo theo giá nguyên vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, cát... và chi phí vận chuyển cũng tăng.
Bình luận 0

Giá xăng dầu tác động tới dự án cao tốc Bắc - Nam

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đang được Bộ GTVT triển khai thi công xây dựng với 11 dự án thành phần, trong đó, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, 7/10 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Đặc biết, trong năm 2022 có 4 dự án gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ -  La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Phan Thiết - Vĩnh Hảo phải hoàn thành.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam "méo mặt" vì giá xăng dầu tăng cao - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tác động tới việc vận hành máy móc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Thế Anh

Tuy nhiên, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai gặp nhiều khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao vọt lên gần 30.000 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng cao vào chiều ngày 11/3, là đợt điều hành giá xăng dầu của chu kỳ mới, mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng, lên 29.820 đồng - mức cao nhất từ trước tới nay.

Khó khăn chồng chất khó khăn hơn, khi giá xăng dầu tăng vọt sẽ kéo theo giá nguyên vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, cát... và chi phí vận chuyển cũng tăng theo giá xăng dầu.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), hiện dự án cao tốc Bắc - Nam còn thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần.

Cụ thể, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn Ninh Bình) thiếu 0,8 triệu m3; Cam Lộ - La Sơn thiếu 0,37 triệu m3 (gói thầu XL5 và XL6 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế); Diễn Châu - Bãi Vọt thiếu 2,92 triệu m3 (địa bàn Nghệ An); Nha Trang - Cam Lâm thiếu 2,6 triệu m3 (địa bàn Khánh Hòa); Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiếu 2,3 triệu m3 (tỉnh Ninh Thuận 2 triệu m3 và Bình Thuận 0,3 triệu m3); Vĩnh Hảo - Phan Thiết thiếu 3 triệu m3 (tỉnh Bình Thuận).

Có thể thấy, giá của 12,59 triệu m3 đất đắp nền cao tốc Bắc - Nam và giá vận chuyển số đất đắp này sẽ tác động rất lớn tới phương án tài chính đầu tư dự án. 

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện một nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam cho biết: "Hiện nay, việc thi công cao tốc Bắc - Nam đã được các nhà thầu bố trí đủ nhân lực, máy móc để đáp ứng thi công đúng tiến độ. Nhưng chúng tôi lo lắng nhất chính là khan hiếm vật liệu đắt đắp nền đường và giá thành vật liệu tăng cao, trong đó có tác động từ giá xăng dầu".

"Quá trình thi công của nhà thầu phụ thuộc chủ yếu vào vật liệu và xăng dầu để vận hành máy móc. Tính riêng xăng dầu chiếm tới 30% chi phí vận hành máy móc", vị này cho biết.

Theo vị này, chưa bao giờ việc thi công dự án dạ tầng giao thông lại phải đối diện với "bão giá" như hiện nay. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã tăng gần 10.000 đồng/1lít, kéo theo đó là giá sắt thép, xi măng cũng tăng vọt theo.

Nhà thầu cao tốc Bắc - Nam "méo mặt" vì giá xăng dầu tăng cao - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: CTV

Nhà thầu thi công nguy cơ thua lỗ

Hàng loạt nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng khi giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ thi công như đất, thép, xăng dầu, xi măng, nhựa đường… đang tăng từ 20 - 30%, vượt xa so với giá tại thời điểm bỏ thầu.

Cụ thể, thời điểm đấu thầu các gói thầu dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây cuối năm 2020, giá xăng từ 15.000 đồng/lít hiện đã lên gần 30.000 đồng/lít; giá nhựa đường khoảng gần 11.000 đồng/lít hiện tại đã lên 14.000-15.000 đồng/lít; giá thép xây dựng chỉ xấp xỉ 11.000 đồng/kg, nhưng từ 2021 đã tăng vọt lên 18.000 đồng/kg, thậm chí cao điểm tới 21.000 đồng/kg.

Đại diện Ban điều hành gói thầu XL10 thuộc dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho hay: "Giá thép vượt 50% so với dự toán, trong khi đó dự án điều chỉnh giá theo chỉ số của tỉnh, chủ yếu dao động bù giá khoảng 5-8%. Mức điều chỉnh này không thể giúp nhà thầu bù được giá thực tế. Nghiêm trọng hơn nữa là giá xăng dầu cũng tăng lên gần 30.000đồng/lít khiến cho các nhà thầu phải bù lỗ.

"Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang lỗ nặng, càng thi công càng lỗ. Gói thầu này sử dụng là 5.000 tấn thép, nếu tính theo giá hiện tại nhà thầu sẽ lỗ khoảng 30 - 40 tỷ đồng", đại diện Ban điều hành gói thầu XL10 ngao ngán nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Vũ Quý, Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết: "Giá xăng dầu tăng cao liên tục khiến cho các nhà thầu không kịp xoay sở. Đặc biệt, ở những thời điểm giá xăng dầu chuẩn bị tăng, các nhà thầu không mua đủ được lượng xăng dầu để phục vụ thi công vì các đơn vị cung cấp xăng dầu chỉ bán một phần nào đó cho nhà thầu".

Theo ông Quý, bên cạnh giá xăng dầu tăng cao, giá nguyên vật liệu cũng tăng quá cao so với chỉ số giá ký với nhà thầu ban đầu, trong khi giá vật liệu theo thông báo giá của các địa phương đang chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, hoặc công bố nhưng không theo kịp giá thị trường khiến nhà thầu càng gặp nhiều khó khăn.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam áp dụng hình thức hợp đồng đơn giá điều chỉnh theo chỉ số giá, trong hợp đồng cũng đã cộng dự trù trượt giá. Nhưng hơn một năm qua giá nguyên vật liệu các loại tăng quá nhanh, nên phần dự phòng không đủ bù đắp.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem