Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 3.

Nhà thơ Dạ Thảo Phương chia sẻ, với mọi người Việt, ngay cả với những người khẳng định là "ghét Tết", "sợ Tết", "thờ ơ với Tết", thì khi 4 mùa đi hết một vòng quay, vẫn tự nhiên có những cảm xúc khác với ngày thường.

Tết, bên cạnh ý nghĩa tập tục văn hoá cộng đồng, còn mang tính cá nhân và thời điểm. Khi còn là một bé con háo hức đợi giao thừa rồi lại ngủ quên trong lòng mẹ, cho đến khi là một chủ gia đình trẻ phải đối mặt với những lo toan trách nhiệm, cùng là một người thôi nhưng cảm nhận về Tết sẽ rất khác nhau.

Có người, Tết phải đủ "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Nhưng có người, khoảnh khắc giao thừa được lặng yên bên tách trà, lắng nghe bản thân mình, lắng nghe trời đất, như thế đã là một cách đón Tết trọn vẹn.  

Chị nói: "Những năm tuổi 30, còn sống và làm việc ở Việt Nam, tôi thuộc hệ 'sợ Tết'. Cứ hết năm, tắt máy tính ở cơ quan là tôi xách ba lô lên, đi 'trốn Tết'. Không nhiều tiền, tôi thường chọn những vùng thôn quê, biển đảo khi đó còn chưa đắt đỏ, hoặc những nước gần Việt Nam. Tôi đã đón giao thừa ở Luang Prabang 4 năm, và ăn Tết dưới một mái lá nhỏ ven biển Phú Quốc 3 lần".

Tuy là đi 'trốn Tết', nhưng chị lại không bỏ nổi Tết. Giao thừa, dù đang dở việc gì, chị cũng tìm một không gian yên tĩnh, mặc áo dài, thắp hương, bày lên một đĩa hoa quả và mấy tách trà, hướng về quê hương, gia đình.

Sau này, nhiều năm 'nhập gia tùy tục' ở nước ngoài, chị cũng dần gắn bó, yêu mến những lễ tết khác như Tết Dương lịch, Hanami (Lễ hội ngắm hoa anh đào) ở Nhật, hay Giáng Sinh, Phục Sinh, Lễ Rước Đèn ở châu Âu… Nhưng đối với chị, vẫn không có gì giống như Tết Nguyên Đán. Tựa như, người ta có thể có nhiều hộ chiếu, nhưng chỉ có một nguyên quán. Có nhiều hơn một nơi để cảm thấy là "nhà", nhưng chỉ có một nơi trái tim mình gọi là "quê cha đất mẹ".

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 3.

img
img
img

Gia đình nhà thơ cùng bạn bè tổ chức ăn Tết ở Berlin. Ảnh: NVCC

Từ khi sống độc thân ở Việt Nam cho đến những năm sau này có gia đình, sống xa nhà, chị Dạ Thảo Phương luôn tự chọn cho mình một cách đón Tết khác với truyền thống gia đình.

Gia đình chị ở Việt Nam đón tết theo phong tục Bắc cổ truyền, ban thờ bày biện sum suê, rực rỡ, năm nào giản tiện nhất mỗi lần cúng cỗ cũng phải đủ 4 bát 4 đĩa. Tuy nhiên, chị lại yêu thích lối sống tối giản, gần gũi với thiên nhiên.

Khi chưa có gia đình, Tết của chị thường chỉ có một cành đào, một mâm ngũ quả, đôi bánh chưng và nước trắng, muối, gạo. Sau này có gia đình, lại không sống ở Việt Nam, chị làm cơm tết để chồng con hiểu hơn về văn hoá Việt. Có năm làm 4 bát 4 đĩa, có năm cầu kỳ, làm hẳn 8 bát 8 đĩa, nhưng là… mỗi ngày 1 bát 1 đĩa.

Chị cố gắng chăm chút cho mỗi món ăn thật chuẩn vị như khi được bà nội nấu cho hồi nhỏ. Nhưng những đồ ăn này chị không bày cúng mà cả nhà ăn luôn khi còn nóng, tránh đun đi đun lại nhiều lần. Ban thờ chỉ có hương hoa, muối, gạo, bánh chưng, nước trắng, mồng 1 Tết thêm đĩa xôi mới và pha trà xanh cho cảm giác ấm áp.

Đối với chị, Tết gọi dậy từ sâu trong lòng những tình cảm với nguồn cội, lòng biết ơn trời đất, biết ơn thời gian sống. Tết cốt ở tâm, không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy.

Chị dạy con cũng như vậy. Theo nhà thơ, con là thế hệ khác mình, có hoàn cảnh văn hoá khác mình, chị chỉ chia sẻ tự nhiên, để con tự đón nhận điều gì con yêu thích chứ không đòi hỏi, ép buộc.

Chị cho biết cả nhà thường cùng nhau bày ban thờ, con gái chị từ khi 4-5 tuổi đã thích cùng mẹ bày mâm ngũ quả theo ngũ hành. Các con rất thích đồ ăn Việt Nam, và có thể phụ mẹ làm một vài món ăn đơn giản. Quan trọng, không phải làm món gì thật 'vi diệu' để chụp ảnh 'cúng phây', mà là chú tâm hưởng thụ thời gian bên nhau. 'Nấu cỗ Tết' có khi chỉ là mẹ luộc gà, bố thái lá chanh, con trai pha muối tiêu, con gái mang đĩa xôi và bát canh bày lên bàn. Ở nước ngoài không được nghỉ Tết, có làm đơn giản mới không bị áp lực, mới vui.

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 5.

Bé Cây (con gái chị Dạ Thảo Phương) tập bày mâm ngũ quả. Ảnh: NVCC

Chồng chị là người Đức nhưng rất thích văn hoá Việt Nam, anh thường giúp chị đi tìm mua đào, quất về bày tết và đặc biệt nhiệt tình giúp… tiêu thụ đồ ăn. Vợ chồng không mừng tuổi tiền cho con nhỏ mà tặng sách, bút màu, vở vẽ. Các con thường "khai bút" bằng việc vẽ tranh tặng ông bà ở Việt Nam. Khi con còn học mẫu giáo, chị viết thư chia sẻ với cô giáo về phong tục Tết Việt Nam, rồi cho cháu mặc áo dài đến trường. Cháu cũng được cô giáo mời nói chuyện với các bạn về Tết. Cháu kể ở Việt Nam Tết ai cũng mặc đẹp và trẻ con đi đâu cũng được mừng tuổi, được ăn mứt thoải mái, làm các bạn rất ham. 

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 6.

Năm 2003, châu Âu có một mở đầu ấm áp. Hàng năm, tháng Một - tháng Hai là thời gian cả châu lục này ngập trong tuyết phủ, cả gia đình nhà thơ Dạ Thảo Phương thường đi trượt tuyết ở các vùng núi của Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ… Nhưng năm nay, châu Âu đã có những ngày tháng Một ấm nhất lịch sử, nhiều khu trượt tuyết nổi tiếng ghi nhận lượng tuyết rơi thấp kỷ lục trong suốt 20 năm qua, không ít cung đường trượt phải đóng cửa vì không đủ tuyết.

Người đại diện khu nghỉ mát Adelboden của Thụy Sĩ - nơi vừa đăng cai tổ chức sự kiện World Cup trượt tuyết trên cung Chuenisbärgli - cho biết, gần như toàn bộ cuộc đua năm nay phải chạy trên tuyết nhân tạo.

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 7.

Tuyết đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá mùa của người châu Âu. Tháng Một ấm áp năm nay là thảm hoạ với những hoạt động văn hoá, thể thao, kinh doanh liên quan đến tuyết, và lần nữa gióng hồi chuông nguy cấp về sự hiện hữu của biến đổi khí hậu.

Mặc dù vậy, đây lại là một liều thuốc giảm đau… ví cho cả châu Âu, làm nếp nhăn trên trán các chính trị gia tạm thời được thư giãn đôi chút. Nhu cầu năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ càng năm. Kho chứa khí đốt ngầm nhằm bảo đảm an ninh năng lượng mùa lạnh của Liên minh châu Âu (EU) hiện được giữ ở mức 83% công suất.

Một phát ngôn viên của Uỷ ban Châu Âu trả lời trên báo chí: "Lượng dự trữ đang ở mức cao. Tôi nghĩ điều đó đã có tác dụng xoa dịu thị trường, giảm biến động và xuống thang giá cả".

Tuy giá năng lượng không tăng đến mức như những dự báo đen tối trước mùa đông, nhưng vẫn duy trì ở mức rất cao so với trước chiến sự. Theo chị Dạ Thảo Phương, hầu hết các hộ gia đình đều phải tăng chi từ 1/3 đến gấp đôi cho các hoá đơn nhiên liệu.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ đe doạ an ninh lương thực và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị toàn cầu. Giá thực phẩm tăng phi mã, một con vịt đông lạnh ở Nicosia trước chiến sự có giá khoảng 8- 9 Euro, giờ là 15- 18 Euro, một miếng pho mát có giá khoảng 3 Euro, giờ khoảng 7 Euro.

Sức mua giảm dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ bắt đầu, chưa động nhiều đến những người giàu hoặc còn làm họ giàu hơn, nhưng đã thẳng tay giáng đòn xuống những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội. Chị nói: "Ở siêu thị, tôi gặp một người mẹ nhập cư tay bế tay bồng ngần ngừ xin bỏ bớt nhúm thịt lợn mua từ 2,5 Euro xuống 2 Euro, và thùng rác trên phố dường như ngày càng thêm trống rỗng, vì thức ăn thừa ít bị vứt đi hơn trong khi ngày càng đông những người cùng quẫn săn lùng chúng". 

Chị nói thêm: "Tôi cảm ơn số phận cho gia đình mình một cuộc sống không xa hoa nhưng chưa từng nếm mùi thiếu thốn. Chúng tôi may mắn có thu nhập ổn định và mức sống khá thoải mái so với mặt bằng chung, nhưng như mọi người dân trên thế giới, chúng tôi cũng hít thở bầu không khí ảm đạm của cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị toàn cầu. Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine không sớm chấm dứt, chắc chắn những ảnh hưởng này sẽ ngày thêm nặng nề, để lại những di chứng càng lâu dài và gây nhiều tổn thương hơn nữa".

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 7.

Đối phó với vấn đề này, chị cho biết không có cách nào để lập tức ngừng một cuộc chiến hay chấm dứt biến đổi khí hậu, mà chỉ có thể tiếp tục sống theo những giá trị mà mình tin tưởng. Cả gia đình chị nhắc nhở nhau tiêu dùng có ý thức, giảm bớt gánh nặng rác thải cho môi trường. Nhà cổ, trần cao, có vườn, nên mùa hè gia đình mở cửa sổ chứ không dùng điều hoà.

Cyprus là quốc gia nhiều nắng nhất châu Âu, mùa đông năm nay nhiệt độ chỉ tương đương như ở Hà Nội, trong nhà mọi người mặc áo khoác để không dùng lò sưởi. Một người quen của chị, sống trong căn nhà đắt đỏ ở Hamburg nhưng trong phòng vẫn mặc áo khoác. Anh nói, giảm bớt gánh nặng nhu cầu năng lượng trong thời điểm này cũng là một thái độ chính trị với cuộc chiến, một chia sẻ trách nhiệm môi trường.

Theo nhà thơ, hoàn cảnh báo động đỏ toàn cầu về kinh tế và môi trường hiện nay chính là một cơ hội để tất cả lắng lại, có cái nhìn tỉnh thức hơn về lối sống của mình.

Chị nói: "Hôm qua trên đường, tôi nhìn thấy một người phụ nữ luống tuổi, bà đi qua thùng rác công cộng và vui mừng nhặt lên một cây súp lơ héo quắt. Tôi nhắc mình càng phải cẩn trọng hơn nữa để bớt đi một bóng đèn quên tắt khi rời phòng, một món ăn gọi thừa ở tiệm, một chiếc váy thêm vào tủ khi chưa thiếu đồ thay. Thời đại chúng ta đang sống khẩn thiết đòi hỏi một cách đo giá trị xã hội khác. Không một người hiểu biết nào lại nể trọng bạn vì giá đôi giày bạn mang, nhưng cách bạn mua hoặc vứt một đôi giày lại nói lên tầm hiểu biết và ý thức xã hội của bạn".

Nhà thơ Dạ Thảo Phương: Mong đến Tết để cùng con gái bày mâm ngũ quả - Ảnh 8.

Trường quốc tế mà con gái chị đang theo học tổ chức trồng 100 cây kỷ niệm trường 100 năm tuổi. Ảnh: NVCC

Người châu Âu đang buộc phải học lối sống thiết thực hơn. Con gái chị học ở một trường tư quốc tế ở Cyprus. Năm 2022, trường kỷ niệm 100 năm tuổi nhưng không phải bằng những sự kiện rình rang lãng phí, mà bằng các hành động như trồng 100 cây phủ đất trọc, quyên góp chăn bông, quần áo ấm cho người nhập cư, mua nhu yếu phẩm cho trẻ mồ côi,…

Giáng sinh vừa qua, trường tổ chức cuộc thi tết vòng trang trí treo cửa bằng các vật liệu bỏ đi. Ở trường, con gái chị cũng được học cách làm đồ chơi từ lõi giấy toilet và vỏ hộp.

Trong những năm vừa qua, thế giới không ngừng đứng trước khó khăn và thách thức. Các virus dịch bệnh mới nối tiếp nhau xuất hiện, các cuộc chiến mới tiếp nối những cuộc chiến cũ, phục vụ lợi ích của một số cá nhân hoặc nhóm người, kéo theo những khủng hoảng toàn cầu, những máu, nước mắt, những thương tổn mất mát vô hình mà sâu sắc của bao phận người, bức tranh kinh tế thế giới luôn xuất hiện những mảng màu mới ảm đạm.

Theo nhà thơ Dạ Thảo Phương, chúng ta không thể thay đổi được cả thế giới, nhưng luôn có thể bắt đầu thay đổi từ bản thân mình. Không phải lúc nào cũng thay đổi được hoàn cảnh xung quanh, nhưng luôn có thể thay đổi cách chúng ta ứng xử với nó. Điều đó quyết định chúng ta sẽ đóng góp thêm vào sự tham lam, hỗn loạn và tổn thương của thế giới, hay dự phần vào quá trình làm thế giới đang sống trở nên đáng sống hơn.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem