Nhà Trắng đàm phán với các công ty chip xây dựng nhà máy sản xuất ở Mỹ
Intel Corp, một trong những nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu nước Mỹ cho hay đang thảo luận với Bộ Quốc phòng Mỹ về việc cải thiện các nguồn cung công nghệ và vi điện tử trong nước, theo lời phát ngôn viên của Intel William Moss. “Intel có vị thế tốt để thắt chặt hợp tác với chính phủ Mỹ thông qua vận hành một xưởng sản xuất thương mại thuộc sở hữu của Mỹ và cung cấp hàng loạt thiết bị vi mạch an toàn”.
TSMC, một công ty sản xuất chip Đài Loan hiện cũng đang đàm phán với Bộ Thương mại Mỹ về việc xây dựng nhà máy tại Mỹ nhưng cho hay chưa có quyết định cuối cùng, theo Nina Kao, người phát ngôn của TSMC. “Chúng tôi đang tích cực đánh giá các địa điểm phù hợp, kể cả ở Mỹ, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nào (về việc đặt nhà máy sản xuất tiếp theo”.
CEO Intel, ông Bob Swan hồi tháng 3 đã viết thư gửi thông điệp cho Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ công ty này sẵn sàng hợp tác với Mỹ xây dựng một “xưởng đúc” - thuật ngữ chuyên dụng để chỉ nhà máy sản xuất chip tại Mỹ. “Đây là một lựa chọn quan trọng hơn bao giờ hết, do sự bất ổn của môi trường địa chính trị hiện tại” - ông Bob Swan nhấn mạnh.
“Hiện tại, chúng tôi cho rằng phương án có lợi nhất cho cả Mỹ và Intel là xây dựng phương án tạo điều kiện cho Intel vận hành xưởng đúc thương mại tại Mỹ để cung cấp các thiết bị vi mạch điện tử” - bức thư cho biết thêm.
Trước đó, nguồn tin từ Tạp chí phố Wall cho hay chính quyền Trump đã đẩy mạnh thảo luận với các nhà sản xuất chip về việc di chuyển nhà máy sản xuất đến Mỹ. Báo cáo của Tạp chí phố Wall cho hay TSMC cũng đã bàn bạc với Apple, một trong những đối tác lớn nhất của họ về việc xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Mỹ - quê nhà Apple.
Tạp chí phố Wall cũng cho biết các quan chức Mỹ đang xem xét hỗ trợ Samsung - gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc xây dựng nhà máy sản xuất ở Austin, Texas, để tăng cường hoạt động sản xuất chip điện tử theo hợp đồng tại Mỹ.
Các động thái xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang sau vụ bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, khiến hai quốc gia không ngừng đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân bùng phát dịch bệnh.
Dịch Covid-19 bùng phát ban đầu tại Trung Quốc đã buộc chính phủ Bắc Kinh tiến hành phong tỏa nhiều tỉnh thành, buộc nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chuỗi cung ứng bị gián đoạn trầm trọng. Mỹ và Nhật Bản sau đó đã kêu gọi các doanh nghiệp chuyển dịch dây chuyền sản xuất về nước hoặc sang các thị trường khác để tránh sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc, điều có nguy cơ gây ra những bất ổn và gián đoạn thương mại nghiêm trọng. Chính phủ các nước này cũng tuyên bố những kế hoạch viện trợ chi phí dịch chuyển khổng lồ để thu hút doanh nghiệp.
Hồi tháng 4, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên là nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng Iris Ohyama đã tuyên bố bắt đầu kế hoạch dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về lại thị trường nội địa theo lời kêu gọi của Thủ tướng Shinzo Abe. Nhiều công ty Mỹ cũng đang xem xét một động thái tương tự.
Ngay cả Apple, một trong năm đại gia công nghệ lớn nhất Mỹ cũng xem xét dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro.