Phát triển vùng Đông Nam bộ xứng tầm - Bài 1: Nhận diện những điểm nghẽn 'cốt tử' của vùng kinh tế trọng điểm

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 26/03/2023 08:26 AM (GMT+7)
Đông Nam bộ đang đối mặt với một loạt các điểm nghẽn khiến nền kinh tế vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Khắc phục những hạn chế là yêu cầu cấp thiết để vùng kinh tế trọng điểm này mang diện mạo mới phù hợp và phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Bình luận 0

LTS: Vùng Đông Nam bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh lân cận, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Mặc dù vùng chỉ chiếm 9,2% diện tích (hơn 23.560 km2) và 20% dân số (khoảng 18,7 triệu người theo số liệu năm 2021), nhưng lại góp phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Dù vùng Đông Nam bộ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển của đất nước, nhưng hiện tại vẫn tồn tại những thách thức, điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cả vùng.

Một điểm nghẽn điển hình là tỷ lệ thấp về lao động có kỹ năng và trình độ cao trong quá trình nâng cấp công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, điểm nghẽn liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ vẫn cũng chưa được tháo gỡ,…

Loạt bài Phát triển vùng Đông Nam bộ với 5 kỳ của báo Dân Việt là những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia kinh tế... đã trao đổi thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, cũng như đề xuất các khuyến nghị xây dựng chính sách, giải pháp chiến lược để khắc phục những tồn tại, thách thức, điểm nghẽn nhằm phát triển Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững; cũng như thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

"Gã khổng lồ" khu vực phía Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, Đông Nam bộ vẫn là nơi có thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Cụ thể, báo cáo của các địa phương cho thấy, trong năm 2022, TP.HCM thu hút 3,94 tỷ USD vốn FDI, kế đến là Bình Dương đã thu hút 3,1 tỷ USD vốn FDI, Đồng Nai gần 1 tỷ USD…

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: “Thúc” vùng Đông Nam Bộ “đứng dậy” xứng tầm - Ảnh 1.

Toàn cảnh TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Hải

Dòng vốn FDI chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp đã giúp khu vực này trở thành trung tâm công nghiệp, xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kèm theo đó, thương mại, dịch vụ cũng phát triển, tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao cho người lao động.

Thu nhập bình quân đầu người của Đông Nam bộ hiện tại đang ở mức xấp xỉ hơn 6.000 USD/người, gấp gần 2 lần bình quân chung của cả nước.

Hiện đã có gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào các tỉnh Đông Nam bộ với nhiều nhà máy hiện đại so với khu vực ASEAN. Nhiều công ty đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và giữ vị trí quan trọng như Tập đoàn LEGO Việt Nam (Bình Dương); Yabashi Industries Co., Ltd; Công ty Meide Investment Hong Kong Holding Company Limited (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: “Thúc” vùng Đông Nam Bộ “đứng dậy” xứng tầm - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm của khu vực Đông Nam bộ. Nguồn: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (tính toán từ dữ liệu Tổng cục Thống kê - GSO)

Cùng với kết quả tích cực về thu hút vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu tại khu vực Đông Nam bộ cũng ghi nhận sự lội ngược dòng ngoạn mục trong năm 2022, bất chấp những khó khăn, thách thức dưới tác động của những biến động kinh tế, chính trị trên thế giới.

Cụ thể, tại TP.HCM đã xuất khẩu trên 47 tỷ USD qua các cửa khẩu trên cả nước, tăng 5,1% so với năm 2021. Trong khi đó, lượng hàng hóa làm thủ tục xuất nhập khẩu qua các cảng tại TP.HCM đạt tới 143 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021.

Các địa phương khác trong vùng, như Bình Dương cũng có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 60,3 tỷ USD, Đồng Nai 43,4 tỷ USD, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 24 tỷ USD…

Bên cạnh các chỉ tiêu như trên, GRDP của các tỉnh, thành Đông Nam bộ cũng cho thấy kết quả ấn tượng trong năm 2022.

Theo đó, trong Top 10 tỉnh thành có GRDP cao nhất cả nước năm 2022, có tới 4 tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam bộ là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, qua đó cho thấy đóng góp rất lớn của khu vực này trong tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: “Thúc” vùng Đông Nam Bộ “đứng dậy” xứng tầm - Ảnh 4.

Tỷ trọng thu ngân sách khu vực Đông Nam bộ. Nguồn: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (tính toán từ dữ liệu GSO)

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: “Thúc” vùng Đông Nam Bộ “đứng dậy” xứng tầm - Ảnh 5.

Tỷ trọng chi ngân sách khu vực Đông Nam bộ. Nguồn: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (tính toán từ dữ liệu GSO)

Trong đó, GRDP của TP.HCM đạt 1,479 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9,03%; Bình Dương đạt 459.032 tỷ đồng, tăng 8,01%, Đồng Nai đạt 434.032 tỷ đồng, tăng 9,22%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15%.

Đối với Bình Phước và Tây Ninh, mức độ tăng trưởng GRDP cũng rất ấn tượng với 9,56% tại Tây Ninh (56.289 tỷ đồng) và 8,42% tại Bình Phước (49.638 tỷ đồng).

Hàng loạt điểm nghẽn cản trở phát triển

GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt siêu đô thị như TP.HCM cùng với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư, nên phải đối diện thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.

Dù vậy, tỷ lệ lao động có kỹ năng chỉ xấp xỉ 25%, bằng mức trung bình của cả nước; chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các tỉnh trong vùng (trừ TP.HCM) ở mức dưới 0,1% GRDP là quá thấp.

"Tỷ trọng chi R&D/GRDP giai đoạn hơn 20 năm qua toàn vùng chỉ đạt mức xấp xỉ 0,1%. Đây là tỷ lệ thấp vì cơ cấu kinh tế vùng này thiên về công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế của đất nước, nhưng trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng còn thấp. Nếu so sánh với chi R&D/GDP thì tỷ lệ tham khảo phải xấp xỉ 1% là tỷ lệ lý tưởng của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan 1%, Trung Quốc hơn 2% trên GDP", ông Thành nhấn mạnh.

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: “Thúc” vùng Đông Nam Bộ “đứng dậy” xứng tầm - Ảnh 6.

Các giai đoạn phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguồn: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (tính toán từ dữ liệu GSO)

Cũng theo ông Thành, vùng Đông Nam bộ là địa phương thu hút gần một nửa vốn FDI cả nước, thế nhưng gần đây, sức hút FDI của vùng có dấu hiệu suy giảm khi quy mô trung bình/dự án chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn bình quân cả nước (12,42 triệu USD).

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á, đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ có 970km cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác thực tế được hơn 10% so với quy hoạch, do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn giải phóng mặt bằng.

"Tỷ lệ thu ngân sách vùng so với thu ngân sách cả nước xấp xỉ 45 - 50% nhưng tỷ lệ chi so với với chi ngân sách cả nước xấp xỉ 15%. Điều này là chưa tương xứng khi vùng còn gặp khó về nhiều điểm nghẽn khác như R&D, đầu tư cho cơ sở hạ tầng...", ông Hoài nói.

Quy hoạch để phát triển vùng Đông Nam Bộ: “Thúc” vùng Đông Nam Bộ “đứng dậy” xứng tầm - Ảnh 7.

Tỷ trọng thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2021 theo giá hiện hành phân theo nguồn thu và theo địa phương. Nguồn: Tổng Cục Thống Kê (2021)

Ông Hoài dẫn chứng, ngay tại TP.HCM, dù là trung tâm kết nối vùng nhưng trong giai đoạn 2016 - 2020, TP cần khoảng 373 nghìn tỷ đồng cho 172 công trình giao thông trọng điểm, bao gồm vốn ngân sách và huy động bên ngoài nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%, vốn huy động từ nhà đầu tư chỉ đạt 13%. Đặc biệt, năm 2022, TP.HCM giải ngân đầu tư công chỉ đạt 70% và hiện đang đối diện với giải ngân kép trong năm 2023 khi mà vốn đầu tư công dự kiến tăng gấp đôi.

Hàng loạt thách thức hiện hữu khác về quản trị môi trường vùng Đông Nam bộ cũng được các chuyên gia chỉ ra. Bao gồm tình trạng suy thoái và ô nhiễm đất (quy mô dân số tăng 2,93%/năm), ô nhiễm nguồn nước (các KCN mỗi ngày thải khoảng 120.000 m3 nước thải, khí thải và 1.400 tấn rác thải công nghiệp), ô nhiễm không khí (nồng độ chì có nơi tăng 1,25 lần so với ngưỡng trung bình) và ô nhiễm chất thải rắn (tăng từ 11.402 tấn/ngày lên 13.539 tấn/ngày giai đoạn 2015 - 2017).

Theo các chuyên gia kinh tế, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cộng với sự năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, cải cách hành chính, hiện đại hóa và những dự án hạ tầng mới đang được triển khai, Đông Nam bộ sẽ tiếp tục là điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo thế và lực cho sự tăng tốc phát triển của khu vực đầu tàu kinh tế cả nước.

Thế nhưng, để hiện thực hóa mục tiêu này, vẫn cần rất nhiều chính sách, cơ chế mà phía Trung ương cần tạo điều kiện hơn nữa để thúc vùng Đông Nam bộ đứng dậy xứng tầm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem