dd/mm/yyyy

Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu

Nhãn Hương Chi có kỹ thuật canh tác cao, chất lượng sản phẩm tốt; lô nhãn đầu tiên của tỉnh Hòa Bình vừa được xuất khẩu sang thị trường khó tính Châu Âu (EU).
Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu - Ảnh 1.

Những cành nhãn xum xuê, trĩu quả được HTX dịch vụ Nông nghiệp Sơn Thủy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KH.L.

Hành trình đi tìm thương hiệu cho nhãn Hương Chi

Giữa tháng 8/2022, tại xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Kim Bôi và Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA tổ chức xuất khẩu 1 tấn quả nhãn tươi Sơn Thủy đầu tiên sang thị trường EU. Đây là thành công từ sự nỗ lực bền bỉ của những người nông dân trồng nhãn và là tín hiệu tốt cho nông sản vùng đất Mường. 

Đến thăm vùng trồng nhãn Sơn Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, trong những ngày bà con nơi đây đang nhộn nhịp khắp làng trên, xóm dưới, hối hả thu hái quả ngọt sau một năm dày công chăm sóc vất vả. 

Những chiếc xe máy, xe tải chở đầy nhãn dập dìu ngược xuôi. Năm nay, nhãn được mùa, được giá, bà con ai nấy cũng đều vui mừng, phấn khởi.

Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu - Ảnh 2.

Nông dân xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình thu hoạch nhãn. Ảnh: KH.L.

Dẫn chúng tôi đi vườn nhãn có diện tích hơn 2 ha nhãn của gia đình, cầm trên tay chùm nhãn Hương Chi mọng nước, ông Bùi Văn Lực, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Sơn Thủy, người đầu tiên mang giống nhãn Hương Chi về trồng trên đất Xuân Thủy. Đây vừa là thứ cây đặc sản thân thiết gắn bó với người dân Xuân Thủy, cũng là nguồn thu nhập của bà con sau một năm chăm bón. 

Vui niềm vui chung, ông Lực lại nhớ đến quãng thời gian dài đằng đẵng trên con đường miệt mài đi khẳng định thương hiệu nhãn Sơn Thủy. Ông Lực chậm rãi kể: Năm 1998, gia đình tôi bắt đầu đưa giống nhãn Hương Chi từ Hưng Yên về trồng thử nghiệm, với diện tích 1,2 ha. Thời gian đầu tôi chỉ nghĩ rằng, nhà còn nhiều đất rộng lại bỏ hoang, chưa biết trồng cây gì nên mới trồng nhãn. Cũng may đất đai và khí hậu ở đây hợp nên cây nhãn phát triển nhanh, cho quả mọng, ngọt. 

Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu - Ảnh 3.

Nhãn Sơn Thủy đang từng bước khẳng định thương hiệu và chinh phục thị trường Châu Âu. Ảnh: KH.L.

Theo ông Lực, điều khó khăn nhất đối với cây nhãn ở Sơn Thủy là thị trường tiêu thụ, khi chưa có thị trường, chưa có thương hiệu, nhãn chín đầy cây không có thương lái đến thu mua. Ông phải thuê xe tải chở ra chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) để chào hàng.

"Chỉ sau 2 phiên chợ, thương lái Hà Nội thấy nhãn Sơn Thủy ngon không kém nhãn Hưng Yên, thậm chí còn thơm, ngọt, sạch mà giá thành lại thấp hơn nên họ đã theo tôi về tận nhà để lấy hàng đấy. Từ đó, cứ đến mùa nhãn, thương lái từ thủ đô và các tỉnh lân cận tự đánh xe tải đến lấy, bà con không cần phải lo đầu ra nữa". Ông Lực phấn khởi nói. 

Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu - Ảnh 4.

Nhãn được nhặt lá, xếp cẩn thận vào thùng xốp trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh: KH.L.

Khi đầu ra dần ổn định, thương hiệu nhãn Hương Chi được nhiều người biết đến hơn, gia đình ông Lực đã mở rộng thêm diện tích trồng nhãn. Nhờ vậy, đến nay, gia đình ông Lực có 2,5 ha nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP. Dự kiến hết vụ nhãn năm nay, gia đình ông sẽ thu khoảng 45 tấn quả, với giá bán từ 10 -12 nghìn đồng/kg, gia đình ông thu về gần 500 triệu đồng. 

Sản phẩm nhãn đầu tiên của Hòa Bình xuất khẩu sang thị trường Châu Âu

Ông Bạch Công Lương, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy cho biết: Hiện tổng diện tích nhãn của toàn xã Xuân Thủy gần 200 ha, riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có 34 ha. Từ năm 2019, người dân trồng nhãn Sơn Thủy đã tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc mà thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi. Theo kết quả phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định theo tiêu chuẩn EU, 3 mẫu nhãn Sơn Thủy đều đạt yêu cầu kỹ thuật với 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm của EU.

Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu - Ảnh 5.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, vụ nhãn năm nay, hứa hẹn được mùa, được giá. Ảnh: KH.L.

Ông Bùi Văn Miển, thành viên của HTX dịch vụ Nông nghiệp Sơn Thủy là một trong những hộ dân có sản phẩm nhãn được lựa chọn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu lần này, phấn khởi: Khi được thông báo vườn nhãn của gia đình tôi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tôi rất vui và tự hào. Với diện tích 1 ha, vụ nhãn nay, gia đình tôi được lựa chọn 2 tạ nhãn để cùng lô nhãn của HTX xuất khẩu sang Châu, đây là động lực để tôi và các thành viên trong HTX tiếp tục nỗ lực vươn lên trong sản xuất.

Để có những quả nhãn chất lượng, gia đình ông Miển đã tập trung chăm sóc theo đúng quy trình VietGAP. Cây được chăm từ sau vụ thu hoạch trước, cắt tỉa gọn gàng, bón phân hữu cơ, phân lân tổng hợp để cây bền khỏe, bảo đảm dinh dưỡng nuôi hoa, nuôi quả. Quá trình chăm sóc đều được ghi chép lại cẩn thận, bảo đảm đúng quy trình, thời gian.

Năm 2016, là năm đánh dấu sự chuyển mình trong khâu tiêu thụ sản phẩm nhãn Sơn Thủy khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ "Nhãn hiệu tập thể". Tiếp đó là hàng loạt các chứng nhận được cấp về an toàn thực phẩm (năm 2016); VietGAP (năm 2019); OCOP (năm 2020) đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài nước. 

Nhãn Hương Chi Hòa Bình bay sang Châu Âu - Ảnh 6.

Những quả nhãn to, tròn, đều đặn, mọng nước vừa được người dân hái về để chuẩn bị bán cho thương lái. Ảnh: KH.L.

Năm 2019, nhãn Sơn Thủy cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp mã số vùng trồng. Đây được coi như một tờ "giấy thông hành" để sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế, trong đó, một trong những thị trường khó tính nhất là EU.

Ngành NN&PTNT tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu, phấn đấu từ nay đến hết vụ nhãn năm 2022, sẽ xuất khẩu 50 tấn nhãn Sơn Thủy sang thị trường EU.

Việc chuyển đổi sang trồng nhãn đã và đang góp phần giải "bài toán” giảm nghèo ở Sơn Thủy. Từ trồng nhãn mà đến nay, nhiều gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, có của ăn, của để và nuôi con cái học hành chu đáo. Cũng từ hiệu quả của trồng nhãn đã góp phần tích cực để thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn ra thị trường thế giới.


Mùa Xuân