Nhãn lồng Hưng Yên được tạo "luồng xanh" trên "chợ ảo"

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 05/08/2021 14:33 PM (GMT+7)
Để giúp nông dân tiêu thụ nhãn thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19, từ ngày 3 - 8/8, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được giới thiệu, bán trên sàn thương mại điện tử Sendo. Được biết, khi “lên sàn” nhãn lồng Hưng Yên sẽ được trợ giá tới 35 - 50%.
Bình luận 0

Nhãn lồng Hưng Yên được tạo "luồng xanh"

Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, Sendo sẽ là sàn thương mại điện tử đầu tiên bán nhãn Hưng Yên. 

Vụ năm nay, sản lượng nhãn của tỉnh vào khoảng 50.000 - 55.000 tấn, trong đó lượng nhãn đạt chất lượng VietGAP khoảng 20.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng nhãn tiêu thụ trong nước được cho là sẽ giảm.

Để giải quyết bài toán này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỉnh Hưng Yên phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Sendo đưa sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên quảng bá cũng như cung cấp đến tay người tiêu dùng thông qua kênh thương mại điện tử.

Chủ tịch HĐQT Sendo - ông Nguyễn Đắc Việt Dũng cho hay, nhãn lồng Hưng Yên sẽ được "tạo luồng xanh" tiếp cận người tiêu dùng trong nước, thông qua "chợ ảo". 

Bên cạnh việc đảm bảo độ tươi ngon đạt tiêu chuẩn VietGAP, với đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên còn được trợ giá, với ưu đãi đặc biệt giảm tới 35 - 50% và hỗ trợ chi phí vận chuyển trong những ngày chạy chương trình.

Lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên “lên sàn”  - Ảnh 1.

Nhãn lồng Hưng Yên lần đầu tiên được quảng bá, rao bán trên 5 sàn thương mại điện tử khác nhau. Ảnh: M.N

"Bên cạnh việc mở bán trên sàn thì Sendo cũng có hoạt động hướng dẫn để nông dân tại Hưng Yên làm quen với công nghệ thương mại điện tử, bao gồm cách mở và quản lý gian hàng, đăng bán sản phẩm, kết nối với các đơn vị vận chuyển".

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng -

Chủ tịch HĐQT Sendo

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: "Trái cây tươi khi được đưa lên sàn thương mại điện tử tiêu thụ sẽ giúp việc quảng bá rộng rãi và nhanh hơn đến người tiêu dùng. Mặt khác, khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử thì nông sản của chúng ta buộc phải tuân theo những điều kiện tiêu chuẩn của nhà phân phối và sàn thương mại điện tử. Cụ thể, phải có truy suất nguồn gốc, xác nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nhãn mác, bao bì đóng gói theo tiêu chuẩn".

Còn theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện nay, bên cạnh sàn thương mại điện tử Sendo, các sàn thương mại điện tử lớn khác cũng đã có phương án phối hợp cùng Cục theo các thời điểm khác nhau để triển khai tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trong cả mùa nhãn này.

Đại diện sàn thương mại điện tử Shopee - chị Nguyễn Tuyết Trang cho biết, trước khi bước vào chính vụ thu hoạch nhãn, ngay từ tháng 6 đại diện của đơn vị đã xuống tận các vườn để giúp đỡ, hướng dẫn nông dân từ khâu đóng gói hàng hóa để làm sao phù hợp với quy cách khi đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, để sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất, Shopee sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận chuyển hàng hóa từ các vườn, HTX về đến các kho trung tâm và sau đó gửi đến tay khách hàng. 

 "Thay vì chỉ thu mua đơn giản thì chúng tôi sẽ đồng hành cùng nông dân để trực tiếp quảng bá nhãn lồng Hưng Yên" - chị Trang nói.

Nông dân "livestream" bán nhãn lồng Hưng Yên

HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng ở xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên có 17 thành viên, trồng 30ha nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đầu vụ tới nay HTX bán nhãn với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện đã có nhiều bạn hàng quen liên hệ đặt hàng của HTX để xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Mý - Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, nếu tình hình diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, hàng không thể xuất bán thì HTX sẽ đứng ra thu mua cho bà con và đưa vào các cơ sở chế biến hoặc có thể đưa nhãn bán trên các sàn thương mại điện tử.

Vụ nhãn này, xã Tân Hưng có 215ha, trong đó diện tích nhãn VietGAP đạt 90ha. Theo ông Ngô Quốc Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, phương châm địa phương đang thực hiện là vừa áp dụng biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, vừa tham gia mời gọi liên kết tiêu thụ trong nước.

"Chúng tôi đã được tham dự các hội nghị trực tuyến để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến với các thị trường và trong các chuỗi siêu thị ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Và việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử là một trong những phương thức bán hàng, quảng bá rất tốt nhãn lồng Hưng Yên đến với người tiêu dùng cả nước" - ông Dương nói.

Là năm đầu tiên đưa trái nhãn đặc sản lên sàn thương mại điện tử, theo ông Nguyễn Tiến Nên -Giám đốc HTX nhãn lồng xã Quảng Châu (TP.Hưng Yên), trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thì việc tiêu nhãn trên sàn thương mại điện đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 50% tổng sản lượng cho các thành viên HTX. Năm nay, sản lượng nhãn của HTX dự kiến đạt khoảng 3.000 - 3.500 tấn.

"Chúng tôi đã làm việc cụ thể với các sàn giao dịch điện tử, đã được hướng dẫn về cách thức đóng gói, giới thiệu và bán sản phẩm. Đặc biệt, ngoài việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn, khi tham gia người dân có thể trực tiếp livestream giới thiệu sản phẩm và chủ động chốt đơn hàng ngay trên sàn điện tử" - ông Nên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem