dd/mm/yyyy

Nhân rộng mô hình “5 cùng” từ đồng vốn của Hội

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp ở Điện Biên đã có vốn đầu tư liên kết sản xuất và có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất

Nếu như trước đây, hội viên nông dân ở bản Tẩu Pung 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên chủ yếu phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, từng hộ gia đình, nên chưa tạo được tính bền vững, thu nhập không ổn định. Nhằm liên kết các hộ, năm 2014, Hội ND Điện Biên thành lập thí điểm mô hình chi hội nghề nghiệp bản Tẩu Pung 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên trên cơ sở cộng đồng dân cư làm nông nghiệp, có cùng xu hướng phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các thành viên chi hội nghề nghiệp bản Tẩu Pung 1 đã chăn nuôi lợn bản địa hiệu quả. Lan Phương
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các thành viên chi hội nghề nghiệp bản Tẩu Pung 1 đã chăn nuôi lợn bản địa hiệu quả. Lan Phương

Ngay từ khi mới thành lập, chi hội được Quỹ HTND tỉnh cho vay số vốn 600 triệu đồng đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Cùng với đó, chi hội phối hợp với các ban, ngành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Hàng năm, chi hội còn tạo điều kiện cho các thành viên đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh.

Được hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật các mô hình của mỗi thành viên đều phát triển tốt, mang lại thu nhập bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Hiện chi hội có 10ha diện tích ao thả cá; 120 con trâu, bò sinh sản; trên 2.500 con gia cầm các loại; 75ha lúa, sắn, dong riềng. Ngoài ra, các thành viên trong Chi hội tham gia trồng mới, chăm sóc và bảo vệ gần 40ha rừng.

Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng và củng cố được 1.813 chi hội, thành lập mới 42 chi, tổ hội nghề nghiệp với trên 1.200 hội viên. Hội nông dân cũng đã giải ngân được 14 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 700 tỷ đồng với 27 dự án ở 10/10 huyện, thành phố…

Anh Lò Văn Cường là một trong những thành viên đầu tiên tham gia chi hội nghề nghiệp bản Tẩu Pung 1, cho biết: Tham gia chi hội, tôi được Hội ND xã tạo điều kiện cho gia đình vay vốn 30 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND để phát triển mô hình. Hiện nay gia đình tôi có 4 con trâu, 8 con dê, 3.000m2 ao thả cá; mỗi năm xuất 2 lứa lợn, mỗi lứa 10 con, cho thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nhân rộng mô hình

Bà Cao Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên cho biết: Nhằm đổi mới mô hình và tập hợp hội viên nông dân, các cấp Hội ND tỉnh Điện Biên đã tích cực thực hiện Đề án 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN về “Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp”. Theo đó, trên tiêu chí “5 cùng” (Cùng làm một ngành nghề; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi) các cấp Hội ND đã thành lập các chi, hội nghề nghiệp để có cơ hội giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp.

Bà Cao Thị Tuyết Lan cho biết thêm: “Sau 2 năm thực hiện đề án, toàn tỉnh Điện Biên đã xây dựng và củng cố được 1.813 chi hội, thành lập mới 42 chi, tổ hội nghề nghiệp với trên 1.200 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề. Trong đó, Hội ND tỉnh chỉ đạo được thành lập 27 tổ hội, còn lại do các huyện thành lập”.

Để mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, các cấp Hội nông dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức các đợt tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các tổ, cách thức chia sẻ kinh nghiệm sản xuất... Bên cạnh đó, Hội ND cũng đã giải ngân được 14 tỷ đồng từ nguồn Quỹ HTND, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 700 tỷ đồng với 27 dự án ở 10/10 huyện, thành phố giúp các hội viên của các tổ nghề nghiệp tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên.

Đức Thịnh