dd/mm/yyyy

Nhân rộng mô hình trồng lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Từ thành công của mô hình “Cánh đồng IPM quy mô thôn trên cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Tam Hiệp vụ hè thu 2019, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành vận động các địa phương nhân rộng trong thời gian tới…

Lâu nay, tại thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp, Núi Thành), nông dân vẫn còn sản xuất lúa theo tập quán cũ nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh chưa cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái bị ô nhiễm. Trong vụ hè thu 2019, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành triển khai thực hiện mô hình “Cánh đồng IPM quy mô thôn trên cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu” với mục đích giúp nông dân tiếp cận thực hành nông nghiệp thông minh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính qua việc giảm giống lúa, giảm phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước và giảm thiểu đốt rơm rạ sau thu hoạch; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Mô hình được thực hiện trên 10ha tại cánh đồng thôn Thọ Khương với 50 hộ tham gia. Giống lúa sạ tại mô hình là Thiên Ưu 8, HT1 với phương thức sạ hàng, mật độ sạ 3,5kg/sào.

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cử cán bộ tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sạ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa; đặc biệt là thực hiện điều tra hệ sinh thái định kỳ trên ruộng mô hình (6 lần/vụ) để đo, đếm các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của cây lúa, điều tra diễn biến của sâu bệnh hại và thiên địch, quan sát các yếu tố ngoại cảnh trên đồng rộng... Qua đó, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa trong mô hình.

Mô hình trồng lúa thich ứng biến đổi khí hậu ở Núi Thành. Ảnh: Văn Phin

Kết quả, qua thu hoạch, lúa trong mô hình đạt năng suất bình quân 57 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ha so với lúa ngoài mô hình trên cùng đơn vị diện tích. Về hiệu quả kinh tế, mỗi sào lúa (500m2) trong mô hình có lãi 673 nghìn đồng, cao hơn 236 nghìn đồng/sào so với lúa ngoài mô hình trên cùng đơn vị diện tích. Ông Trần Đình Tùng (thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp) chia sẻ: “Mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương đem lại hiệu quả nhờ lượng giống, phân đạm, thuốc trừ sâu đều giảm, các loại thiên địch giúp lúa tăng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường hiện nay, được nông dân hưởng ứng, tham gia”.

Qua thực tế, lượng giống lúa sử dụng ở mô hình “Cánh đồng IPM quy mô thôn trên cây lúa thích ứng với biến đổi khí hậu” giảm so với ruộng đối chứng 1,5kg/sào (tương ứng với 30kg/ha). Bên cạnh đó, lượng phân đạm (phân urê) giảm so với ruộng đối chứng 2kg/sào (tương ứng với 40kg/ha); giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so ruộng đối chứng, chỉ phun thuốc dựa vào kết quả điều tra phân tích hệ sinh thái, không phun phòng, không phun thuốc định kỳ và không phun thuốc theo kiểu tùy tiện như các vụ trước, vì vậy trong vụ hạn chế được số lần phun thuốc.

Nhờ hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và khi sử dụng thuốc tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” nên nguồn thiên địch của lúa trong mô hình khá phong phú như nhện, bọ rùa đỏ, chuồn chuồn kim, bọ xít nước, bọ 3 khoang, bọ cánh cụt… Mật độ thiên địch tăng đã khống chế được sâu hại. Cùng với đó, trong vụ, lúa của mô hình đã cắt giảm được 3 lần tưới nước ở giai đoạn lúa sau gieo 25 - 40 ngày và 80 ngày đến thu hoạch, nhờ việc áp dụng kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẽ” vừa tiết kiệm nước, nâng cao năng suất cây trồng vừa góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay.

Kỹ sư Hà Văn Tâm – cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết, hiệu quả kinh tế của mô hình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, tạo ra được sản phẩm lúa gạo sạch, an toàn cho người sử dụng, giảm được ô nhiễm môi trường. Mô hình còn giúp người nông dân bón phân cân đối, hợp lý hơn, giảm lượng phân urê nên hạn chế tồn dư gốc nitrat trong lúa gạo.

Mô hình còn khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giúp cải tạo lại tầng đất canh tác, hạn chế hiện tượng thoái hóa đất. Mô hình còn gián tiếp tạo được cân bằng hệ sinh học. Đây là cơ sở quan trọng để mở rộng chương trình trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu có hiệu quả sau này. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành đề nghị các địa phương và nông dân mạnh dạn duy trì và ứng dụng mô hình này vào thực tế sản xuất cho những vụ mùa tiếp theo.

                                                                                                                       

Theo Báo Quảng Nam