Nhập cảnh trái phép: Ngăn chặn từ biên giới Quảng Ninh

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 23/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Băng rừng, lội suối, bơi sông..., bằng mọi cách có thể, nhóm người vượt biên trái phép vẫn lọt lưới qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam, dù cái giá phải trả có thể đổi cả bằng tính mạng.
Bình luận 0

Chập choạng tối 20/7, Giàng Thị Lềnh (SN 1974) cùng 9 người đồng hương khác (cùng là dân tộc Mông, ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) dắt díu nhau từ biên giới phía Trung Quốc, lội qua suối về đến khu vực mốc 1364(2) + 300 thuộc thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP.Móng Cái (Quảng Ninh). Tại đây, khi đang lo sợ bị cướp bóc, lạc đường, nhóm Giàng Thị Lềnh bị tổ tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện, bắt giữ.

Cùng đi với nhóm của Lềnh còn có 7 người ở các địa phương khác như Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn. Đoàn 16 người vượt biên trái phép đều bị bắt giữ, ngay sau đó được chuyển về khu cách ly tập trung của TP.Móng Cái.

Nhập cảnh trái phép: Ngăn chặn từ biên giới Quảng Ninh - Ảnh 1.

9 người nhập cảnh trái phép bị bắt giữ ngày 8/7 tại khu vực mốc 1364+400, thuộc thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP.Móng Cái.

Chị Giàng Thị Lềnh cho biết: "Từ đầu năm nay, do dịch Covid-19, cả gia đình tôi không có việc làm. Hàng ngày, tôi chỉ đi làm nương, rẫy, không đủ tiền trang trải cuộc sống. Ngay sau khi ăn tết xong, đến đầu tháng 3, nghe theo một số người quen giới thiệu, tôi đã vay mượn được hơn chục triệu đồng trả cho người dẫn qua biên giới tỉnh Hà Giang để sang Trung Quốc làm thuê.

Ở Trung Quốc làm việc tại một xưởng mộc được một thời gian ngắn, tôi bị Công an Trung Quốc bắt, tịch thu toàn bộ tiền, giam giữ tại trại giam 2 tháng và phải lao động công ích. Ngày 20/7, sau khi Công an Trung Quốc đuổi về Việt Nam qua sông biên giới, tôi cùng với 15 người khác đã được Bộ đội Biên phòng đưa về đây và bố trí nơi ăn ở để thực hiện cách ly, phòng chống dịch Covid-19".

Nhập cảnh trái phép: Ngăn chặn từ biên giới Quảng Ninh - Ảnh 2.

33 lao động nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Móng Cái bị Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ.

Vào những ngày cuối tháng 7, tại khu cách ly tập trung thuộc Công ty Center Way (TP.Móng Cái) có hơn 300 người đang thực hiện cách ly tập trung. Trong đó chỉ có 68 công nhân, chuyên gia người Trung Quốc làm việc cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và một số ít người nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Còn lại, gần 200 người nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở dọc biên giới đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, bàn giao.

Mỗi người đều có lí do cho hành vi nhập cảnh trái phép, nhưng phần lớn do cuộc sống mưu sinh, không công ăn, việc làm, dẫn đến xuất cảnh, lao động trái phép, rồi bị lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền, lao động công ích… và bị đẩy, đuổi về Việt Nam.

Biết là vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng do không có công ăn việc làm, chị Lục Thị Thìn (SN 1984, dân tộc Dao, trú tại xã Tà Trải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cũng đã vay mượn tiền để đi lao động chui bên Trung Quốc. Không may, khi vừa sang lao động tại một xưởng mộc được hơn chục ngày, chị bị Công an Trung Quốc bắt, tịch thu toàn bộ tiền bạc, giam giữ 28 ngày.

Nhập cảnh trái phép: Ngăn chặn từ biên giới Quảng Ninh - Ảnh 3.

Người nhập cảnh trái phép được đưa về khu cách ly tập trung TP.Móng Cái.

Chị Thìn cho biết: "Vẫn biết là xuất cảnh trái phép sang làm việc ở Trung Quốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn, như có thể bị lừa đảo tiền, bị lừa bán sâu vào nội địa, hoặc bị bắt, giam giữ, phạt tiền và lao động công ích… Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, tôi đã đánh liều với số phận, sức khỏe để đi lao động, chỉ mong kiếm được ít tiền về trang trải cuộc sống gia đình. Được về Việt Nam, được lực lượng chức năng bố trí cho chỗ ăn, ở để cách ly, tôi thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người lao động khác khi giờ này vẫn còn đang trốn chui, trốn lủi ở bên Trung Quốc".

Anh Giàng A Tủa (SN 1979, dân tộc Mông, trú tại xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) sang lao động chui tại một xưởng sản xuất bóng đèn tại Trung Quốc từ giữa năm 2019. Đến cuối năm, anh Tủa bị Công an Trung Quốc bắt giữ, giam hơn 5 tháng tại trại giam Quây Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc.

Nhớ lại những ngày bị giam, lao động công ích tại đây, anh Tủa cho biết sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc đi lao động trái phép nữa.

Nhập cảnh trái phép: Ngăn chặn từ biên giới Quảng Ninh - Ảnh 4.

Gia đình anh Nguyễn Hải Định nhập cảnh trái phép và bị bắt giữ ngày 26/6, tại khu vực mốc 1342(2)+200, bờ sông biên giới, thuộc bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

Không chỉ đi lao động trái phép, có trường hợp còn mang theo cả con nhỏ sang Trung Quốc, rồi vượt biên, nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Đó là trường hợp gia đình anh Nguyễn Hải Định (xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).

Ngày 26/6, tại khu vực mốc 1342(2)+200, bờ sông biên giới, thuộc bản Mốc 13, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) đang lội qua sông biên giới từ Trung Quốc về Việt Nam. Tổ tuần tra, kiểm soát đã yêu cầu nhóm người trên dừng lại để kiểm tra. 4 người này là một gia đình do không thể sống cuộc sống chui lủi tại Trung Quốc nên đã tìm cách vượt sông biên giới về Việt Nam.

Anh Định cho biết do không có việc làm và qua giới thiệu của người quen, nên tháng 11/2019, cả gia đình anh đã làm giấy thông hành, xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sang Đông Hưng, Trung Quốc làm thuê. Trong thời gian ở Đông Hưng, do tình hình dịch Covid-19, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc tập trung phòng, chống hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, trục xuất những người lao động trái phép, nên nhiều tháng trời, gia đình anh phải sống chui lủi để tránh sự bắt giữ của Công an Trung Quốc. Ngày 26/6, gia đình anh Định bắt xe ôm từ Đông Hưng đến gần Cửa khẩu Lý Hỏa, Trung Quốc để lội sông về Việt Nam.

Với địa hình biên giới tiếp giáp Trung Quốc, có nhiều đường mòn, lối mở, Quảng Ninh đang là điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép. Cùng với khu vực biên giới đất liền, số vụ và số người xuất nhập cảnh trái phép khu vực biên giới qua đường biển cũng đang có dấu hiệu gia tăng, dù các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới đã tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn.

Hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, hành vi này càng nguy hiểm và cần phải được lên án.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem