dd/mm/yyyy

Nhật Bản sửa luật để thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Chính quyền của Thủ tướng Suga gần đây đã đệ trình một đạo luật sửa đổi về các biện pháp đặc biệt nhằm tạo điều kiện đầu tư vào các tập đoàn nông nghiệp.


Nhật Bản sửa luật để thúc đẩy xuất khẩu nông sản - Ảnh 1.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu nông sản từ 922,3 tỷ yên (8,5 tỷ USD) vào năm 2020 lên 2 nghìn tỷ yên (18,5 tỷ USD) vào năm 2025. Ảnh minh họa: Getty Images.

Dự luật nhằm mở rộng đối tượng nhận đầu tư từ các quỹ nông nghiệp đặc biệt, hoặc quan hệ đối tác trách nhiệm hữu hạn bao gồm các tổ chức tài chính chuyên tài trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp.

Các quỹ nông nghiệp đặc biệt hiện chỉ được phép đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng việc sửa đổi sẽ cho phép đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt, lâm nghiệp và chế biến thực phẩm.

Bằng cách cung cấp nguồn lực tài chính lớn hơn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng như thực phẩm, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu nông sản từ 922,3 tỷ yên (8,5 tỷ USD) vào năm 2020 lên 2 nghìn tỷ yên (18,5 tỷ USD) vào năm 2025 và 5 nghìn tỷ yên (46,1 tỷ USD) vào năm 2030.

Việc sửa đổi dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp thúc đẩy xuất khẩu với các khoản đầu tư lớn cần thiết vào hệ thống cơ sở hạ tầng, tiếp thị và quảng cáo ở nước ngoài, và phát triển nguồn nhân lực.

Việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản – có tên gọi là seme no arrowi, hay "chính sách nông nghiệp chủ động" - đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Điều này hoàn toàn trái ngược với các chính sách bảo hộ cũ của Nhật Bản trong quá khứ.

Nhật Bản đang đàm phán với các nước khác để dỡ bỏ hoặc nới lỏng các rào cản và quy định thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp. Chính quyền đang thúc đẩy việc bán các sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản đồng thời xây dựng thương hiệu thông qua hội chợ kinh doanh ở nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Sản phẩm Thực phẩm Nhật Bản ở nước ngoài vào năm 2017 để thực hiện mục tiêu này.

MAFF cũng bắt đầu Dự án Xuất khẩu Thực phẩm Toàn cầu vào năm 2018, cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh cho các nhà sản xuất và xuất khẩu.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất và xuất khẩu đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng.

Nhờ những biện pháp trên, xuất khẩu nông sản của Nhật Bản đã tăng nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là trong 10 năm qua.

Hương Lan