Nhiệm kỳ Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thị trường bất động sản ra sao?

Trần Kháng Thứ hai, ngày 04/01/2021 09:56 AM (GMT+7)
Thị trường bất động sản 5 năm qua (2016-2020) cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn.
Bình luận 0

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản ngày càng phát triển mở rộng cả về quy mô vốn, loại hình, số lượng và chất lượng dự án; cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thị trường bất động sản phát triển ổn định

Thị trường bất động sản phát triển ổn định, ngày càng hiệu quả thể hiện qua các yếu tố: giá cả ổn định; thanh khoản tăng; cơ cấu hàng hóa dần được điều chỉnh, hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường; tồn kho liên tục giảm mạnh; tổng dư nợ tín dụng trong hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng trưởng.

Cụ thể, theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản trong 05 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản giảm dần trong 05 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019 và giảm còn 6,3% trong quý I/2020.

Nhiệm kỳ bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thị trường bất động sản ra sao? - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản 5 năm qua phát triển ổn định.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Tính đến 30/6/2020 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 526.396 tỷ đồng (bằng 110,2% dư nợ tại thời điểm 31/3/2020. Từ cuối năm 2019 và 03 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản có xu hướng giảm, tuy nhiên trong quý II/2020 đã được cải thiện, tăng hơn so với quý I/2020.

Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn: cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 38,9%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 7,2%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 3,9%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9,7%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 9,1%; cho bất động sản khác chiếm 27,3%.

Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết từ cuối năm 2016; đầu tư nước ngoài FDI vào lĩnh vực bất động sản liên tục tăng.

Qua số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm trở lại đây cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài, sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo), đạt khoảng 17,63 tỷ USD.

Các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng và có tiềm lực mạnh. Tính đến đầu năm 2020, cả nước đã có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010; có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản; đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá, quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản cho khoảng 100.000 người, trong đó có 50.000 nhân viên môi giới, 25.000 nhân viên định giá và 25.000 người quản lý sàn giao dịch bất động sản.

Không xuất hiện các hiện tượng cực đoan

Theo Bộ Xây dựng, đạt được kết quả trên là do đã tập trung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, thực hiện tái cơ cấu thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo yêu cầu thực của thị trường.

Giai đoạn 2016 - 2020 đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng, chỉ xuất hiện tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

Nhiệm kỳ bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thị trường bất động sản ra sao? - Ảnh 5.

5 năm qua, thị trường bất động sản đã không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng.

Đặc biệt năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị.

Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch, cơ cấu lại các dự án... nên thị trường bất động sản chưa ở trạng thái "trầm lắng", "đóng băng" toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.

Đến cuối năm 2020 đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp.

Nhiệm kỳ bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thị trường bất động sản ra sao? - Ảnh 6.

Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa được ổn định.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra nhiều mặt còn hạn chế như: Cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Hiện tại, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kiểm tra tình hình thực hiện dự án bất động sản cao cấp, sử dụng nhiều diện tích đất tại các địa phương trọng điểm.

Đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", "làm giá" để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem