Nhiễm viêm gan B có thể mất 200 triệu tiền thuốc mỗi năm

Diệu Thu (thực hiện) Thứ bảy, ngày 29/08/2015 11:25 AM (GMT+7)
Trung bình một người nhiễm virus viêm gan B phải tiêu tốn khoảng 60 - 200 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và thời gian điều trị kéo dài từ 1-2 năm. Do đó, tiêm vắc-xin viêm gan B là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh.
Bình luận 0

Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ tiêm phòng viêm gan B trong thời gian gần đây rất thấp do các bà mẹ còn có những băn khoăn, lo lắng đối với việc đưa trẻ đi tiêm chủng. Do đó, ngày 28.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã có công văn yêu cầu tăng cường công tác tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trên toàn quốc.

Trước tình hình này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - có những giải đáp liên quan đến vắc-xin viêm gan B và an toàn tiêm chủng cho trẻ.

img

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Thưa ông, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B gần đây rất thấp. Là chuyên gia về công tác dự phòng của ngành y tế, ông có ý kiến gì về điều này?

- Hiện nay, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở nước ta khá cao, chiếm khoảng 10-20% dân số. Việc điều trị người viêm gan cũng rất tốn kém. Trung bình một người nhiễm virus viêm gan B phải tiêu tốn khoảng 60 - 200 triệu đồng tiền thuốc mỗi năm và thời gian điều trị kéo dài từ 1-2 năm.

Trong khi đó, tỉ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B thấp. Đây là mối lo của ngành y tế. Do đó, tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ cũng cần tiếp tục được ưu tiên. Đặc biệt, mục tiêu giảm tỉ lệ mắc viêm gan B sơ sinh cho trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 1% vào năm 2017 của Chương trình tiêm chủng mở rộng đang đến gần.

Xin ông cho biết, việc tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh đã được Việt Nam thực hiện trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ khi nào? Độ an toàn của vắc-xin này được đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Tiêm vắc-xin viêm gan B để phòng bệnh viêm gan B, một căn bệnh lây theo các đường: Sử dụng bơm kim tiêm không sạch nhiễm HBV, đường mẹ truyền sang con, truyền máu... Cách lây truyền hoàn toàn giống đường lây truyền HIV/AIDS, nhưng tỉ lệ người nhiễm và khả năng lây truyền viêm gan B trong cộng đồng hiện nay là rất cao và cao hơn cả việc lây truyền HIV.

Vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh được triển khai trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2005. Đây là vắc-xin do Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 sản xuất, là loại vắc-xin tái tổ hợp được sản xuất theo công nghệ tiên tiến, giống như vắc-xin đang sử dụng tại Mỹ và các nước khác.

Tính từ năm 2010-2014, số lượng vắc-xin để tiêm cho trẻ sơ sinh là hơn 6,5 triệu liều. Trong quá trình sử dụng cũng ghi nhận một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nhưng tỉ lệ nằm trong ngưỡng của Tổ chức Y tế thế giới), tuy nhiên không ghi nhận bất kỳ trường hợp tai biến nặng nào liên quan đến vắc-xin này.

Do đó, người dân không nên quá lo lắng về độ an toàn của vắc-xin mà không cho trẻ đi tiêm chủng dẫn tới bệnh viêm gan B - nguyên nhân rất cao của ung thư gan sau này.

Vậy, để phòng bệnh viêm gan B thì quy trình tiêm phòng như thế nào? Ở trẻ em và người lớn có khác nhau không?

- Việc thực hiện tiêm chủng vắc-xin được thực hiện theo thông tư của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng.

Các bước tổ chức tiêm chủng chính bao gồm: Lập kế hoạch trước tiêm chủng, khám sàng lọc, tư vấn tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng và theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

Ngoài ra, lịch tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin viêm gan B được tiêm 4 mũi: Mũi 1 tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Mũi 2, 3, 4 tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.

img

Tiêm vắc-xin cho trẻ để phòng bệnh.

Những phản ứng có thể gặp ở trẻ sau khi tiêm phòng là gì? Làm cách nào để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các phản ứng này để đảm bảo an toàn cho trẻ sau tiêm chủng, thưa ông?

- Khi tiêm chủng vắc-xin là đưa kháng nguyên vào cơ thể con người nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hoặc các nhà sản xuất vắc-xin theo tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra.

Sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp phải những phản ứng thông thường (phản ứng tạm thời) và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc, xử trí của cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế.

Một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng hay gặp và các biện pháp chăm sóc như sốt nhẹ (dưới 38,5 độ C): Uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng. Một số trường hợp có bệnh lý về tim mạch, viêm phổi hoặc trẻ có tiền sử sốt cao co giật có thể dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,0 độ C. Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ và/hoặc sưng tại chỗ. Phản ứng này thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.

Các bậc phụ huynh phải chuẩn bị những gì trước khi cho con đi tiêm phòng, thưa ông?

- Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần lưu ý: Trước tiên, cha mẹ cần phải quan tâm con khỏe hay đang ốm, bị mắc bệnh gì mà có thể chống chỉ định hoặc tạm hoãn trong tiêm chủng hay không.

Cha mẹ phải biết, con đang ở tháng thứ mấy và có thể sẽ tiêm vắc-xin gì trong đợt này. Tất nhiên, những vấn đề này cán bộ y tế ở tại cơ sở tiêm chủng cũng có thể giúp được, các bậc cha mẹ đến điểm tiêm chủng để được tư vấn, khám sàng lọc, quyết định tiêm cho con loại vắc-xin gì hay việc có tiêm hay không.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý mang sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để được ghi chép và theo dõi lịch tiêm chủng của con mình. Cha mẹ chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: Đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con trước khi tiêm.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.  Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm, cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem