Quảng Nam: Nhiều bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua đã thoát "lưỡi hái tử thần", ngồi dậy và nói chuyện được

Trương Hồng Thứ ba, ngày 21/03/2023 15:07 PM (GMT+7)
Hiện chỉ còn 1 bệnh nhân thở máy là Hồ Văn Điều (57 tuổi), các bệnh nhân khác không còn thở máy, đã ngồi dậy và nói chuyện được.
Bình luận 0

Chiều 21/3, Tiến sĩ Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, tình hình sức khỏe của 8 bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua đã có tiến triển tốt. Hiện chỉ còn 1 bệnh nhân thở máy là Hồ Văn Điều (57 tuổi), các bệnh nhân khác không còn thở máy, đã ngồi dậy và nói chuyện được.

"Sáng nay, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện ở Quảng Nam hội chẩn với các chuyên gia bệnh viện Chợ Rẫy và thống nhất như hội chẩn dùng thuốc kháng sinh Meronem chống nhiễm trùng đa kháng kịp thời cho bệnh nhân...", ông Mười cho biết.

Quảng Nam: Nhiều bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua đã thoát "lưỡi hái tử thần", ngồi dậy và nói chuyện được - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua đã không còn thở máy, ổn định sức khỏe. Ảnh: CTV

Tại miền núi Quảng Nam, từ ngày 7/3 đến nay đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 10 người có diễn biến nặng phải nhập viện điều trị thở máy liên quan đến cá chép ủ chua, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

"Sau khi nhận thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam tiến hành điều tra, xác minh và lấy mẫu thực phẩm, mẫu bệnh phẩm gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Trong cả 2 vụ ngộ độc thực phẩm trên, những người bị ngộ độc là dân tộc Gié Triêng. 

Món ăn nghi ngờ - món cá chua là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến. Cá chép ủ muối hoặc bột bắp, ớt sau đó ủ trong hũ kín khoảng 7 ngày", Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cho biết.

Quảng Nam: Nhiều bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua đã thoát "lưỡi hái tử thần", ngồi dậy và nói chuyện được - Ảnh 2.

Bệnh nhân đã tự ngồi dậy và nói chuyện được. Ảnh: CTV

Đến 18 giờ 30 phút ngày 18/3, kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua do Viện Pasteur Nha Trang thực hiện đã xác định dương tính với Clostridium Botulinum type E.

"Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân, không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua; không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua.

Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng…", ông Mười nhấn mạnh.

Quảng Nam: Nhiều bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ chua đã thoát "lưỡi hái tử thần", ngồi dậy và nói chuyện được - Ảnh 3.

Tiến sĩ Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam kiểm tra sức khỏe các bệnh nhân. Ảnh: CTV

Cũng theo ông Mai Văn Mười, ngành Y tế Quảng Nam đã đề nghị trung tâm y tế huyện Phước Sơn tiếp tục ra soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời, đồng thời phối hợp với Chi cục VSAT thực phẩm tỉnh và các đơn vị chức năng xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc để công khai kết quả kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem