Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế xanh

Quốc Hải Thứ tư, ngày 15/03/2023 07:55 AM (GMT+7)
Năm 2023, các doanh nghiệp nên hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bằng cách khai thác cả vòng đời của nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị mới, nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt.
Bình luận 0

Đây là chia sẻ của các chuyên gia kinh tế tại tọa đàm "Hàng Việt Nam chất lượng cao và cơ hội vươn lên thành công trong nền kinh tế xanh", diễn ra tại TP.HCM, chiều 14/3.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế xanh - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Việt dần tiếp cận với nền kinh tế xanh. Ảnh: Quốc Hải

Nhiều doanh nghiệp vươn lên trong nền kinh tế xanh

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, Nhựa Duy Tân đã thành lập Công ty Nhựa tái chế Duy Tân để đẩy mạnh sản xuất dòng sản phẩm từ nhựa tái chế.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân, cho hay, ở Đức cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới, các bao bì sản phẩm có thành phần từ nhựa tái chế được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hơn so với sản phẩm nhựa thông thường. Vì vậy, các sản phẩm nhựa tái chế từ Duy Tân cũng dễ dàng xuất khẩu sang nhiều thị trường.

"Nhựa tái chế của chúng tôi đã đạt 15 chứng nhận khác nhau của thế giới về tiêu chuẩn nhựa cho ngành thực phẩm. Chúng tôi cũng là đối tác cung cấp bao bì nhựa tái chế cho nhiều thương hiệu toàn cầu", ông Lê Anh cho biết. 

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế xanh - Ảnh 2.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh. Ảnh: Quốc Hải

Cũng theo ông Lê Anh, trong năm 2022, Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào thị trường Mỹ. Đây là quy trình ngược so với quy trình nhập khẩu và sản xuất bao bì nhựa từ trước tới nay. 

"Đặc biệt, trong năm 2022, chúng tôi đã thu gom và tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa", ông Lê Anh nói thêm.

Ông Lê Trường Sơn, phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) cho hay, hiện nay Saigon Co.op đang được TP.HCM giao triển khai hoạt động liên kết với các địa phương, đó là "Chương trình Phát triển vùng nguyên liệu bền vững". Trong đó, Saigon Co.op sẽ chủ động tham gia sâu vào quá trình phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân…

"Năm 2023, Saigon Co.op phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao triển khai chương trình trọng điểm là "Bàn Ăn Xanh", nhằm nâng cao nhận thức và thực hành tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tiêu dùng, có phân phối qua hệ thống của Saigon Coop. Dự kiến chương trình "Bàn Ăn Xanh" sẽ chính thức ra mắt vào tháng 4/2023" - ông Sơn chia sẻ.

Báo cáo từ chương trình Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (SKC) của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp xanh đã có bước phát triển mạnh, thâm nhập vào những thị trường quốc tế, như: châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Chính vì vậy, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, năm nay là năm thứ 27 của chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao quyết định đưa ra những hoạt động mới hướng tới phát triển xanh, hướng đến nền kinh tế xanh.

"Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao liên tục đổi mới sáng tạo, nhằm phục vụ thực sự cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa, cũng như sức ép ngày càng tăng ở thị trường nước ngoài khi xuất khẩu. Và hướng đi theo mục tiêu phát triển kinh tế xanh không nằm ngoài mục tiêu nâng tầm phát triển cho hàng Việt Nam, nền kinh tế, cũng như quá trình hội nhập kinh tế", bà Kim Hạnh, nói.

Nhiều cơ hội "ra biển lớn" với nền kinh tế xanh

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá cao những sáng kiến của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong chủ động xây dựng những tiêu chuẩn giúp cải thiện chất lượng hàng hóa và phục vụ ngay cho chính cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Theo ông Linh, để phát triển được nền kinh tế xanh thì phải có hệ thống tiêu chuẩn xanh để giúp doanh nghiệp từ tiêu chuẩn cơ sở xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và làm cơ sở tiêu chuẩn quốc tế. 

"Thị trường toàn cầu nói chung hay các nước nói riêng ngày càng triển khai nhiều hệ thống tiêu chuẩn mới nên các hiệp hội, doanh nghiệp Việt cần cập nhật để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, hoặc lựa chọn hệ thống tiêu chuẩn phù hợp trong tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước", ông Linh nói.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong nền kinh tế xanh - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), đánh giá cao những sáng kiến của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: T.Q

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì nhấn mạnh, trong những năm gần đây tăng trưởng xanh đang được triển khai ở các lĩnh vực nổi bật như năng lượng, nhựa, da giày - dệt may... Về phía Chính phủ và các bộ, ngành hiện cũng đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động sản xuất sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

"Giai đoạn này là thời điểm thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi sang chiến lược phát triển bền vững và hòa nhập vào nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn toàn cầu", ông Thành nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì đánh giá, vài năm gần đây đã bắt đầu có những tấm gương trong tăng trưởng xanh, phát triển xanh của doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình, ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp, thủy sản… đã và đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng kinh tế nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn…

"Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển xanh trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nâng cao ý thức, khả năng của mình để phát triển theo hướng tăng trưởng xanh nhiều hơn. 

Riêng các hiệp hội nên hỗ trợ doanh nghiệp nhân rộng hơn nữa những mô hình tăng trưởng xanh và phát triển thành một trào lưu chung, chẳng hạn như trở thành một tiêu chí đánh giá của hàng Việt Nam chất lượng cao", bà Chi Lan, đề nghị.

Cũng trong tối nay, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố và trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023.

Năm nay, có 519 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Trong số đó có 32 doanh nghiệp đạt danh hiệu này suốt 27 năm liên tiếp và 41 doanh nghiệp lần đầu được bình chọn.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem