Nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu cao su

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 28/03/2023 18:26 PM (GMT+7)
Nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tục và sự chênh lệch cung cầu. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su thiên nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho vùng nông thôn và các ngành công nghiệp liên quan.
Bình luận 0

Nhận định này được đưa ra tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2023-2028) Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, ngày 28/3.

Cao su Việt Nam gặp nhiều biến động

Trong giai đoạn 2018-2022, thế giới ghi nhận nhiều biến động tại các quốc gia và khu vực kinh tế lớn. Ngoài những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, ngành cao su đã phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của một số loại bệnh hại mới cũng như tình trạng khan hiếm lao động.

Theo báo cáo tháng 1/2023 của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), bên cạnh yếu tố cơ bản cung – cầu, giá cao su  thiên nhiên còn chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố. Trong đó có diễn biến trên thị trường giá dầu, tâm lý đầu tư, những biến động kinh tế, cũng như hoạt động sản xuất tại các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ.

Đại hội nhiệm kỳ VI (2023-2028) Hiệp hội Cao su Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Đại hội nhiệm kỳ VI (2023-2028) Hiệp hội Cao su Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong nước, ngành cao su Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó là những vướng mắc do yếu tố nội tại về chính sách, gây hạn chế năng lực cạnh tranh của ngành cao su và doanh nghiệp cao su Việt Nam.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên sẽ gay gắt hơn. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc.

Hiện nay, hệ thống quản lý cấp quốc gia về chất lượng cao su thiên nhiên chưa đồng bộ trên cả nước, và chưa có cơ quan chức năng quản lý chất lượng cao su tiểu điền.

Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm cao su thiên nhiên đầu ra, chưa có tiêu chuẩn quốc gia đối với nguyên liệu đầu vào. Vì thế, Việt Nam  chưa có cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc pha trộn tạp chất vào nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng của các nhà máy sơ chế mủ cao su.

Chế biến thành phẩm cao su ở Công ty CP Cao su Bà Rịa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chế biến thành phẩm cao su ở Công ty CP Cao su Bà Rịa. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (nhiệm kỳ V,  2018-2023) cho biết, công nghiệp chế biến thành phẩm cao su còn gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả.

Hiện vẫn còn thiếu hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước.

Vẫn có cơ hội cao su Việt Nam

Bên cạnh khó khăn, Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định nhu cầu cao su thiên nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng liên tục và sự chênh lệch cung cầu.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su thiên nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho vùng nông thôn và các ngành công nghiệp liên quan.

Khai thác mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Bình thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Khai thác mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Cao su Bình thuận. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành cao su cũng có nhiều thuận lợi khi được Nhà nước công nhận là cây đa mục tiêu. Điều này vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, vừa cải thiện điều kiện kinh tế xã hội cho vùng nông thôn, đồng thời phủ xanh đất trống, rừng nghèo để góp phần bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp trong nước tích cực nâng cao tỷ lệ sử dụng cao su nội địa cho việc sản xuất sản phẩm cao su có giá trị xuất khẩu cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su.

Nhiệm kỳ vừa qua, vai trò của Hiệp hội Cao su Việt Nam được khẳng định trong các quy hoạch và chiến lược phát triển của Chính phủ.

Ông Trần Ngọc Thuận cho biết, trong nhiệm kỳ VI, hoạt động của Hiệp hội sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên.

Hiệp hội sẽ nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cao su Việt Nam trong bối cảnh giá có thể duy trì ở mức thấp kéo dài.

Ông Trần Ngọc Thuận được tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam nhiệm kỳ VI (2023-2028). Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trần Ngọc Thuận được Đại hội tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam nhiệm kỳ VI (2023-2028). Ảnh: Nguyên Vỹ

Đồng thời, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng đề nghị nhà nước, các bộ ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý của hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su Việt Nam.

Hiệp hội đề nghị cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xây dựng những chính sách thuận lợi cho ngành cao su Việt Nam. Trong đó, trọng tâm là chính sách về thuế và hoàn thuế cho doanh nghiệp cao su.

Chính sách ưu đãi cũng cần xây dựng cụ thể để thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn nước ngoài nhằm phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su, đồ gỗ cao su có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong năm 2022, diện tích cao su của Việt Nam đạt 929.500ha; sản lượng đạt gần 1,29 triệu tấn. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 5 về diện tích, thứ 3 về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới, và dẫn đầu về năng suất trong khu vực châu Á.

Năm 2022, xuất khẩu cao su thiên nhiên Việt Nam đã xác lập kỷ lục với lượng ước đạt hơn 2,1 triệu tấn, trị giá hơn 3,3 tỷ USD; tăng 9,7% về lượng và tăng 1,1% về giá trị so với năm 2021.

Với công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, năm 2022 được xem là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 14,0% so với năm 2021 và chủ yếu là xuất khẩu lốp xe. Trong đó, hội viên Hiệp hội Cao su Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 6,5% về giá trị

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem