Nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục bị “bán tháo”, chuyên gia nói “có tín hiệu tốt”

Quốc Hải Thứ tư, ngày 27/04/2022 11:16 AM (GMT+7)
Sau phiên tăng điểm tích cực hôm qua, thị trường chứng khoán sáng nay (27/4) một lần nữa quay lại nhịp giảm điểm. Nhiều cổ phiếu "trụ" ngân hàng, bất động sản tiếp tục bị bán tháo…
Bình luận 0
Nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục bị “bán tháo”, chuyên gia nói “có tín hiệu tốt” - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch quan trọng để xác định xu hướng ngắn hạn. Ảnh: IT

Sau phiên tăng hơn 30 điểm hôm qua (26/4), phiên hôm nay (27/4) được xác định là phiên giao dịch quan trọng để xác định xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán trong nước.

Tuy nhiên, ngay sau phiên ATO, thị trường chứng khoán một lần nữa lao dốc mạnh với chỉ số VN-Index trên sàn HoSE mất hơn 22 điểm (1,6%), chỉ số VN30 cũng giảm hơn 23 điểm (1,66%). Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục bị "bán tháo" là nguyên nhân chính khiến VN-Index mất điểm.

Cụ thể, trong bộ 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, chỉ BID và HPG duy trì được sắc xanh trong buổi sáng, ngược lại từ VIC, VHM, VNM, VCB, CTG, MSN...  đều chịu xu hướng bán tháo mạnh của nhà đầu tư.

Trong đó, VIC, VHM, VCB, GAS, MSN đều giảm trên 2%, trong khi các cổ phiếu còn lại trong nhóm như CTG, TCB, SAB, VNM đều giảm 1-2%.

Theo sau nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn này là cổ phiếu nhóm tài chính - ngân hàng với hàng loạt đại diện giảm điểm mạnh. Trong đó, VPB đang bị bán mạnh với mức giảm 1,65%.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành ngân hàng cũng giảm mạnh trong những phút đầu phiên sáng nay như HDB giảm 2%; ACB giảm 1,94%; VIB giảm 1,22%; MBB giảm 1,02%; EIB giảm 2,28%; STB giảm 1,46%; TPB giảm 2,72%...

Diễn biến tương tự cũng diễn ra với nhóm cổ phiếu bất động sản khi những mã vốn hóa lớn lại bị bán mạnh trong sáng nay. Ngoài VHM giảm 2,15%, cổ phiếu NVL cũng giảm 0,12%; KDH  giảm 2,02%; NLG giảm 0,55%; PDR giảm 2,71%; SCR giảm 0,3%...

Tính đến 10h, chỉ số VN-Index thu hẹp đà giảm còn khoảng 11 điểm, xuống vùng 1.330 điểm, tương đương mức giảm 0,88% so với hôm qua.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội lại duy trì sắc xanh ở 347,36 điểm, cao hơn 2,15 điểm (0,61%) so với hôm qua.

Nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục bị “bán tháo”, chuyên gia nói “có tín hiệu tốt” - Ảnh 3.

Ông Trần Bá Duy, Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Chứng khoán VPS). Ảnh: FBNV

Nói về đà sụt giảm của thị trường phiên sáng nay, ông Trần Bá Duy, Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Chứng khoán VPS), nhận định, thị trường sụt giảm điểm trong phiên sáng nay là do tâm lý thị trường khi chỉ số Dow Jones (chỉ số trung bình công nghiệp) giảm hơn 800 điểm, kéo theo đó là thị trường chứng khoán thế giới cũng sụt giảm mạnh.

"Tâm lý thị trường đang yếu, kèm theo cú dập từ chỉ số Dow Jones giảm kỷ lục trong phiên giao dịch hôm qua khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa hôm nay giảm điểm mạnh cũng là điều dễ hiểu", ông Duy thông tin.

Trong phiên giảm điểm sáng nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu bán ròng sau 8 phiên mua ròng liên tiếp trước đó.

Cụ thể, trên HoSE, khối này mua với giá trị 176 tỷ nhưng bán 331 tỷ đồng, tương đương mức bán ròng 156,5 tỷ đồng trong nửa đầu phiên sáng.

Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 516 triệu đồng và trên UPCoM, khối ngoại bán ròng 470 triệu đồng…

Tuy nhiên, theo ông Duy, thị trường mở cửa phiên hôm nay giảm điểm là tốt, bởi nếu đầu phiên này mà tiếp tục xanh thì sẽ có áp lực cắt lỗ. Còn nếu đầu phiên giảm, lực cầu tốt thì sau phiên hôm nay thị trường sẽ phục hồi.

"Tôi đang theo dõi thị trường, đầu phiên có lúc thị trường mất tới 23 điểm nhưng đến thời điểm hiện tại đã phục hồi khá tốt, chỉ còn giảm khoảng 10 điểm", ông Duy nói.

Nói về thị trường chứng khoán trong các phiên tới, Giám đốc Tư vấn Đầu tư (Chứng khoán VPS) Trần Bá Duy cho rằng, hiện tại dự báo thị trường lên hay xuống không quan trọng nữa, quan trọng là nhìn thị trường vận động thế nào để có những kịch bản phù hợp để phản ứng với thị trường.

"Theo tôi, thị trường phải test lại đáy 1.250 điểm (cuối tuần trước) một lần nữa xem lượng cung còn bị "kẹp" lại nhiều hay không. Nếu test lại vùng đáy cũ này mà nó không còn chịu nhiều lực bán nữa thị trường mới cân bằng lại vùng đáy và đi lên trở lại. Trường hợp vùng đáy 1.250  tiếp tục bị thủng, nhà đầu tư tiếp tục phải đề ra các kịch bản để xử lý, bởi giờ đây không phải lúc để đoán đáy là bao nhiêu nữa", ông Duy nói thêm.

Dòng tiền tìm đến "họ FLC", "họ Louis"

Phiên hôm nay, dòng tiền thị trường vẫn tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu “họ FLC”. Trong đó, 6/7 đại diện cổ phiếu trong nhóm đều tăng tích cực 4-6%, bao gồm FLC (Tập đoàn FLC); ROS (FLC Faros); AMD (Khoáng sản FLC); HAI (Nông dược HAI); ART (Chứng khoán BOS); KLF (Xuất nhập khẩu CFS).

Đây đã là phiên tăng điểm tích cực thứ 4 của nhóm cổ phiếu này.

Trong khi đó, một số cổ phiếu “họ Louis” sau nhiều phiên bị bán mạnh khi ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố và bắt tạm giam, đến sáng nay cũng đã giao dịch tích cực với BII (Louis Land) tăng 5,08%; SMT (Sametel) tăng 3,7%; DDV (Dap - Vinachem) tăng gần 4%.

Tuy nhiên, 2 cổ phiếu trong nhóm này là AGM (Xuất nhập khẩu An Giang) và LDP (Dược Lâm Đồng) đều giảm sàn kịch biên độ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem