Nhiều địa phương mạnh tay "triệt tiêu" dự án chậm triển khai

Trần Kháng Thứ sáu, ngày 27/11/2020 08:28 AM (GMT+7)
Nhiều địa phương đang cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Bình luận 0

Huỷ dự án chậm triển khai

Hiện nay, tình trạng các công trình dự án chậm tiến độ là khá phổ biến, nhất là những thành phố lớn, nơi có nhiều công trình trọng điểm. Để khắc phục tình trạng lãng phí ngân sách, ảnh hưởng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã hủy dự án chậm triển khai.

Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, tỉnh này sẽ cương quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật. Danh sách các dự án thuộc diện bị thu hồi gồm: 37 dự án đã quá hạn nghiên cứu cần xử lý, hủy chủ trương chấp thuận địa điểm nghiên cứu; 11 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất không xác định được mốc thời gian; 19 dự án chậm trên 5 năm.

Nhiều địa phương mạnh tay "triệt tiêu" dự án chậm triển khai - Ảnh 1.

Dự án bỏ hoang xảy ra ở nhiều địa phương, gây lãng phí nguồn lực.

Ngoài ra, đối với 42 dự án đã có quyết định thu hồi đất do vi phạm pháp luật, chậm tiến độ, nay đã có 21 dự án các chủ đầu tư vẫn đang quản lý, 21 dự án đã giao cho nhà đầu tư khác hoặc tiếp tục thực hiện, phải làm rõ thực trạng sử dụng đất hiện nay để có hướng xử lý dứt điểm trong năm 2020. Tại tỉnh Đồng Nai, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020, TP Biên Hòa sẽ hủy bỏ 89 dự án với tổng diện tích gần 554ha ở các phường, xã. Những dự án này chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, khu dân cư. Lý do hủy bỏ là bởi đã quá thời hạn 3 năm nhưng những dự án này vẫn chưa triển khai, chưa có chủ trương chấp thuận đầu tư, chuyển đổi hình thức đầu tư.

Tương tự, trong năm 2020, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động của 12 dự án (gồm 4 dự án đầu tư nước ngoài và 8 dự án đầu tư trong nước) do chủ đầu tư chậm triển khai.

Tính từ thời điểm lập phương án xử lý dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2014, UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động của 179 dự án; trong đó có 12 khu đất đã được trả lại hiện trạng cho người dân sử dụng, 4 khu đất đã được chuyển đổi quy hoạch và 163 khu đất tiếp tục giữ quy hoạch.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chấm dứt hiệu lực pháp lý của 69 văn bản chấp thuận đầu tư, trong đó có 25 dự án du lịch, 20 dự án du lịch sinh thái trong rừng, 24 dự án thuộc lĩnh vực khác.

Trước đó, Hà Nội đã liên tiếp thu hồi, chấm dứt thực hiện dự án nhà ở do chủ đầu tư không thực hiện theo tiến độ đã được chấp thuận. Mới đây là dự án Khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm); dự án đầu tư tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư.

Hàng trăm dự án "treo"

Liên quan tới việc dự án "ôm" đất bỏ hoang, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện.

Trước đó, trong văn bản hồi đáp ý kiến cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.

Nhiều địa phương mạnh tay "triệt tiêu" dự án chậm triển khai - Ảnh 3.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội) triển khai đã 15 năm, nhưng hiện chỉ là một bãi đất hoang. Ảnh: Anh Huy

Theo phản ánh, tại Hà Nội hiện có tới hơn 300 dự án "treo" rải rác khắp các địa bàn quận, huyện, trong đó có không ít dự án có vị trí đắc địa, "đất vàng" thủ đô, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án, gặp khó khăn, đặc biệt là vấn đề lãng phí tài nguyên đất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm; thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Báo Dân Việt đã nhiều lần phản ánh về tình trạng dự án bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Đơn cử như, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng – Licogi làm chủ đầu tư. Dự án được giao đất từ năm 2004, nhưng tới nay vẫn nằm "đắp chiếu".

Tương tự, tại dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 12 (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Bất Động Sản Thuận Thành làm chủ đầu tư. Mặc dù đã thu tiền của khách hàng từ nhiều năm qua, nhưng dự án này vẫn chỉ là bãi đất trống.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án ôm đất suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án "ôm đất" gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Theo đó, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất...

Một số ý kiến khác cho rằng, việc xử lý các dự án "treo" tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì "tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư". Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem