Nhiều doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ để... cứu giá?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 01/12/2017 06:15 AM (GMT+7)
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều lý giải việc đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ là nhằm để giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành, gia tăng giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, từ kế hoạch đến thực hiện lại là cả một... “quá trình” và đằng sau đó là những “game” tài chính khá khó hiểu.
Bình luận 0

Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, động thái mua vào cổ phiếu quỹ của các DN được đánh giá là tốt nếu DN có nguồn tiền và khoản tương đương tiền rất lớn, việc các DN này công bố sử dụng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển để mua vào cổ phiếu quỹ, làm gia tăng giá trị cho cổ đông được xem là hợp lý. Song, dường như hiện nay, đa số các kế hoạch này đều phục vụ mục tiêu ngắn hạn là... cứu giá.

img

Hoạt động mua vào cổ phiếu quỹ thường diễn ra khi cổ phiếu DN liên tục "đỏ" sàn (Ảnh: IT)

Ồ ạt đăng ký mua khi cổ phiếu... “đỏ” sàn

Từ vùng giá 11.000 - 12.000 đồng/CP, sau khi công bố kết quả kinh doanh Quý 3.2017 sụt giảm mạnh khiến cổ phiếu LSS của Công ty CP Mía đường Lam Sơn “bay” mất gần 20% giá trị và về dưới mệnh giá, có thời điểm chỉ còn 8.470 đồng/CP. Trước tình hình này, lãnh đạo LSS đã công bố sẽ mua vào 6 triệu cổ phiếu (tương đương 8,6% cổ phiếu đang lưu hành) làm cổ phiếu quỹ. Thời gian giao dịch từ 1.12 - 31.12.2017. Ngay sau khi thông tin này được công bố, LSS đã nhanh chóng tăng mạnh với 6 phiên liên tiếp (gồm 3 phiên tăng trần) và vọt lên mức 11.350 đồng/CP. Đến thời điểm hiện tại, LSS vẫn đang giao dịch quanh vùng 10.800 - 11.000 đồng/CP.

Tương tự, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT) trước đó cũng có kế hoạch mua lại hơn 83,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 15% vốn cổ phần, để làm cổ phiếu quỹ trong bối cảnh cổ phiếu này lao dốc mạnh từ mức trên 41.000 đồng/CP xuống 20.000 đồng/CP, bốc hơi 50% giá trị sau 3 tháng. Ngay khi vừa công bố thông tin này, cổ phiếu STB đã tăng trần lên 21.450 đồng/CP và tăng thêm 2 phiên liên tiếp sau đó.

Hoặc, Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (mã TCH) cũng đã có quyết định thông qua việc mua tối đa 18 triệu cổ phiếu TCH để làm cổ phiếu quỹ. Thông tin trên đã đưa giá trị cổ phiếu TCH tăng từ 16.150 đồng/CP tăng mạnh sau đó, lên vùng giá 19.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mới đây TCH lại điều chỉnh sẽ chỉ mua tối đa 11 triệu cổ phiếu chứ không phải 18 triệu cổ phiếu như thông tin trước đó.

Mới đây nhất, Công ty CP Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cũng ra nghị quyết về việc mua 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,7% số cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ (Giá mua không quá 52.000 đồng/cổ phiếu). Nguồn vốn để mua được trích từ lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 30.6.2017 của HBC. Ngay khi công bố nghị quyết này, cổ phiếu HBC đã tăng liên tiếp 3 phiên, từ mức giá 50.600 đồng/CP lên mức 53.200 đồng/CP, trước khi rớt lại về vùng giá 49.000 - 50.000 đồng/CP như thời điểm hiện tại.

Một loạt các DN khác cũng liên tiếp công bố thông tin mua vào cổ phiếu quỹ, chẳng hạn như Tập đoàn Masan (mã MSN) đăng ký mua lại 114,81 triệu cổ phiếu quỹ; Xây dựng và Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) cũng dự kiến mua tối đa 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ; Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã VIB), cũng dự kiến mua khoảng 57 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ (dự kiến hoàn tất trước ngày 31.12.2017); Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (mã SSC) cũng công bố sẽ thực hiện mua tối đa 1,47 triệu cổ phiếu quỹ...

img

Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã VIB), cũng dự kiến mua khoảng 57 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ (Ảnh: IT)

Những “tính toán”... khó hiểu

Trong những mã cổ phiếu mà DN dự kiến và đã thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ ở trên, có thể thấy đa số các mã này đều “trụ” được vài ngày tăng giá song sau đó đều quay đầu giảm trở lại. Theo lý giải của các chuyên gia tài chính, một phần nguyên nhân là vì kết quả kinh doanh và tình hình thị trường khá bất lợi khiến các mã này chỉ “hưng phấn” sau một vài phiên và sau đó lại quay đầu giảm. Trong khi đó, một phần nữa là các nhà đầu tư dường như nhận ra phương án mua cổ phiếu quỹ chỉ là động thái “cứu giá” của lãnh đạo DN trong ngắn hạn và biện pháp này chỉ để an định tâm lý cho nhà đầu tư.

Thực tế, câu chuyện mua lại cổ phiếu quỹ của Tập đoàn Masan (mã MSN) là một điển hình khiến nhiều người đặt câu hỏi về phương án mua. Cụ thể, để mua được 114,81 triệu cổ phiếu quỹ như thông báo trước đó thì ít nhất trong 1 tháng đăng ký giao dịch, MSN phải mua được trung bình hơn 5 triệu cổ phiếu/phiên. Song quan sát trên lịch sử giao dịch, khối lượng trung bình của cổ phiếu MSN chỉ khoảng gần 700 nghìn/phiên.

Dù vậy, kết quả sau 1 tháng thực hiện thì MSN cũng mua vào thành công khoảng hơn 100 triệu cổ phiếu quỹ, giảm gần 15 triệu cổ phiếu so với tính toán ban đầu nhưng đây cũng được coi là một “cam kết” uy tín của MSN với nhà đầu tư.

Trong khi đó, với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), nếu muốn mua 3,5 triệu cổ phiếu ở mức giá tối đa 52.000 đồng/CP như dự định trước đó thì ước tính DN này cần chi khoảng 182 tỷ đồng. Tuy số tiền này không lớn nhưng trong bối cảnh DN này đang thực hiện nhiều dự án, nhu cầu vốn lớn thì việc mua cổ phiếu quỹ ở thời điểm hiện tại được đánh giá là không phù hợp vì nếu xét theo góc độ tài chính, hoạt động này sẽ lấy đi của DN lượng tiền mặt đáng kể và không dễ dàng chuyển đổi trở lại, ít nhất trong thời gian 6 tháng theo quy định hiện nay.

Chưa kể, HBC mới đây liên tiếp trúng thầu các hợp đồng có tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng thì nhu cầu nguồn tiền rất lớn. Trong khi đó, tính đến ngày 30.9, khoản phải thu HBC là 8.600 tỷ đồng và tổng nợ phải trả là hơn 11.181 tỷ đồng, chủ yếu nợ ngắn hạn hơn 10.228 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn 3.925 tỷ đồng. Nếu quyết định mua cổ phiếu quỹ, lợi ích thu được từ mua lại cổ phiếu sẽ phải so sánh với chi phí tài chính nếu dùng khoản tiền hiện có để giảm nợ vay...

Về lý thuyết, mua lại cổ phiếu sẽ đem lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông khi làm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, tăng các chỉ số hiệu quả hoạt động tính trên nguồn vốn như thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)… Ngoài ra, sức cầu từ mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ cũng có thể giúp cổ phiếu tăng giá, các cổ đông “chốt lời” sẽ chịu thuế suất thấp hơn so với chia cổ tức bằng tiền.

Tuy nhiên, việc DN mua cổ phiếu quỹ có nhiều dạng. Có DN nguồn tiền dồi dào nhưng chưa có dự án cần tiền đầu tư thì đăng kí mua cổ phiếu quỹ để làm “của để dành”, có thể bán ra khi giá cổ phiếu tăng, thu nguồn thặng dư về cho cổ đông. Có DN mua cổ phiếu quỹ làm lợi cho các cổ đông hiện hữu nếu các cổ đông có nhu cầu tăng tỷ lệ sinh lời trên cổ phiếu. Hoặc mua cổ phiếu để cứu giá nếu giá cổ phiếu trên thị trường xuống quá thấp, cổ đông cần được an định tâm lí...

TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem