Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ thuần hóa cây mọc dại

21/07/2020 13:30 GMT+7
Từng là cây mọc dại trên các triền núi cao, sơn tra được thuần hóa và trở thành một trong những loại cây chủ lực giúp nhiều gia đình thoát nghèo ở Sơn La.

Sơn tra là một sản vật đặc trưng ở vùng cao được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La năm 2018.

Sơn tra còn được gọi bằng một số cái tên khác như táo mèo, táo rừng, chi tô dì... Đây là 1 trong 16 sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh Sơn La.

Loại quả này có vị chát, chua, ngọt, thơm đặc trưng, được sử dụng rộng rãi trong chế biến nước quả, rượu và là vị thuốc quý trong đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa.

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ thuần hóa cây mọc dại - Ảnh 1.

Quả sơn tra là một trong các sản vật của Sơn La.

Đây là loại cây mọc tự nhiên trên những dãy núi cao, sườn đồi, con dốc... Những nơi càng cao, quả sơn tra có màu vàng tươi, thơm hơn và có vị chua ngọt độc đáo. Trước đây, quả sơn tra chỉ được biết đến như loại sản phẩm của núi rừng, giá trị kinh tế không cao.

Quả sơn tra được trồng nhiều ở huyện Bắc Yên. Với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây sơn tra ngày càng phát triển đã trở thành một loại quả đặc sản của vùng. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, đến nay, diện tích cây sơn tra của huyện Bắc Yên ngày một mở rộng và tạo thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

Hiện Bắc Yên có khoảng 2.320 ha cây sơn tra (1.129 ha đã cho thu hoạch), sản lượng 2.450 tấn, giá bán trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Hình thức tiêu thụ chủ yếu quả sơn tra tươi khoảng 80% tổng sản lượng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, được thương lái từ các nơi đến thu mua; 20% sản lượng chế biến thành các sản phẩm như rượu vang sơn tra, rượu táo mèo, nước ép từ quả sơn tra.

Ngoài ra, UBND huyện đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp sơn tra Bắc Yên xây dựng vườn ươm cây sơn tra ghép lưu vườn, quy mô 1,4 ha, công suất gieo ươm đạt trên 30 vạn cây/năm.

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ thuần hóa cây mọc dại - Ảnh 2.

Ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La

Trong đó, sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép, tạo sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi. Năm 2019, tỉnh giao kế hoạch xuất khẩu 380 tấn, các xã đăng ký xuất khẩu trên 550 tấn, trong đó 59 hộ và 1 HTX đăng ký trên 190 ha.

Trao đổi với PV, ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết, năm 2014, Sở đã thử nghiệm "Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm từ quả Sơn Tra tại huyện Bắc Yên".

Công ty TNHH Bắc Sơn là đơn vị thực hiện xây dựng mô hình này. Với mong muốn tạo ra một số sản phẩm từ quả Sơn Tra được thị trường chấp nhận và tiêu thụ, công ty đã sử dụng enzim pectinaza trong sản xuất rượu vang, nước quả và các nước uống không cồn một cách có hiệu quả. Không những vậy, enzim pectinaza còn góp phần chiết rút được chất màu, tanin và những chất hòa tan do đó làm tăng thêm chất lượng của thành phẩm.

"Hiện nay, Công ty TNHH Bắc Sơn" đang tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra, mỗi năm sản xuất được 90.000 lít rượu táo mèo, 10.000 lít rượu vang, lợi nhuận hàng năm 500 - 700 triệu đồng. Các sản phẩm do công ty sản xuất được khách hàng yêu thích lựa chọn", ông Phạm Quang An nói.

Hiện tại, các đồi núi trọc ở Bắc Yên đã được thay bằng các cánh rừng sơn tra. Nhờ dễ trồng, dễ chăm sóc, cây sơn tra đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân các xã vùng cao huyện Bắc Yên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn.

A.Vũ
Cùng chuyên mục