Nhiều khoản vay tiêu dùng đổ vào bất động sản và chứng khoán

Nguyệt San Chủ nhật, ngày 03/06/2018 08:02 AM (GMT+7)
TS. Đỗ Hoài Linh, Đại học Kinh tế Quốc dân, thống kê cho vay mua, sửa chữa nhà tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong cho vay tiêu dùng 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất, tới 76,5%. Nhiều dòng tín dụng tiêu dùng thực chất là để đầu tư BĐS và chứng khoán, đem tới rủi ro cho nền kinh tế nói chung.
Bình luận 0

Từ cảnh báo về việc, tín dụng bất động sản đang được hợp thức hoá, đội lốt tín dụng tiêu dùng để tăng trưởng nóng mà không bị kiểm soát bằng quy định về cho vay bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng như vậy là không phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần cho thị trường tín dụng bất động sản khó kiểm soát hơn, tăng nóng.

Điều này một lần nữa được thể hiện rõ trong tham luận “hiểu đúng về tài chính tiêu dùng và cho vay tiêu dùng” của TS. Đỗ Hoài Linh, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo đó, tham luận nêu: Tại Hoa Kỳ, cho vay tiêu dùng được quan niệm là tất cả những khoản vay để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình nhưng không bao gồm vay để mua nhà.

img

Năm 2017, cho vay mua, sửa chữa nhà tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong cho vay tiêu dùng 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất, tới 76,5%.

Cũng như các nước phát triển khác, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Mỹ rất phát triển; năm 1996 dư nợ của mảng hoạt động này là hơn 1.200 tỷ đô la thì đến năm 2016 dư nợ lên đến 4.100 tỷ đô la, như vậy trong 20 năm thì quy mô của mảng hoạt động này tăng 3,4 lần.

Với Việt Nam, thị trường cho vay tiêu dùng trong vài năm trở lại đây cho thấy bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ từ nhu cầu thì số lượng các doanh nghiệp cung cấp cũng có nhiều biến động nhưng theo xu hướng hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động.

Nếu từ năm 2012 trở về trước, phần lớn các công ty tài chính trực thuộc doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò một đơn vị đầu tư trong nội bộ doanh nghiệp mẹ (như thu xếp các khoản cho vay, quản lý nguồn tiền mặt và tình hình tiền mặt, quản lý đầu tư các khoản tiền chưa sử dụng đến cho các công ty con trong nội bộ); thì từ năm 2016 đến nay, nhiều ngân hàng trong nước và chủ sở hữu nước ngoài thông qua hoạt động mua lại, đã và đang sở hữu cho riêng mình công ty tài chính với mảng cho vay tiêu dùng phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều công ty tài chính được coi là “gà đẻ trứng vàng”.

Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đạt 18% đạt hơn 1 triệu tỷ đồng trong năm 2017, trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang thực sự rất “nóng”.

Cho vay tiêu dùng chảy vào bất động sản, chứng khoán

Cảnh báo về tình trạng cho vay tiêu dùng đang tăng nóng, đặc biệt cho là cho mua, sửa nhà, ông Đỗ Hoài Linh nhấn mạnh: “Nhiều dòng tín dụng tiêu dùng thực chất là để đầu tư Bất động sản và chứng khoán, đem tới rủi ro cho nền kinh tế nói chung.

Tổn thất năm 1997 tại Trung Quốc và Thái Lan bắt nguồn từ việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào Bất động sản và Chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng.

Tại Việt Nam, năm 2017, tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng, điều này cho thấy dòng vốn vay tiêu dùng đổ vào bất động sản là hiện hữu.

Với mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao sẽ đẩy mức đầu cơ lên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; và khi vỡ thì bong bóng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tới tất cả các thành phần trong nền kinh tế.

Hiện tại, nhiều khách hàng luôn đề nghị với ngân hàng là vay tiêu dùng, ngân hàng nắm được tài sản thế chấp và quyết định giải ngân, nhưng có trường hợp vay tiêu dùng không cần thế chấp nhưng dòng tiền này lại chạy vào bất động sản và chứng khoán.

Không những thế, hoạt động cho vay tiêu dùng thời gian qua xuất hiện hiện tượng biến tướng dưới hình thức cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, từ đó dòng vốn chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán. “Do vậy, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng, nguy cơ tổn thất cho cả xã hội là rất cao”, ông Linh khuyến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem