Nhiều khu “đất vàng” Transerco đã và đang thành cao ốc

Minh Khôi Thứ tư, ngày 23/10/2019 07:00 AM (GMT+7)
Nằm trong danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hoá (CPH) trong năm 2020, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã và đang sở hữu cổ phần trong nhiều dự án bất động sản trên các khu đất đắc địa tại Thủ đô. Mặc dù công việc cổ phần hoá đang còn dang dở nhưng Transerco lại tích cực bắt tay với đối tác để biến những mảnh đất vàng thành các toà cao ốc.
Bình luận 0

Việc cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước ở doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Hà Nội nói riêng và cả nước vẫn đang rất “nóng”. Cá biệt, quá trình CPH tại Transerco đang diễn ra ì ạch nhưng  doanh nghiệp này “bắt tay” hợp tác để chuyển đổi, khai thác các khu “đất vàng” sử dụng đất sang mục đích bất động sản vẫn đang diễn ra, đây là điều mà dư luận đang quan tâm và xôn xao.

 Ì ạch cổ phần hoá

Thời gian qua, việc cổ phần hóa DNNN đang được triển khai và có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, điểm lại các đơn vị nằm trong danh mục DNNN hoàn thành CPH (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, thì việc cổ phần hóa DNNN chưa đúng theo kế hoạch và còn rất nhiều việc phải làm.

Cụ thể, năm 2018, TP.Hà Nội tiến hành cổ phần hóa 11 doanh nghiệp (chưa kể 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), trong đó bao gồm Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco. Tuy nhiên, con số 14 doanh nghiệp trên (chiếm 16% tổng số doanh nghiệp CPH năm 2018) đã bị lỡ kế hoạch cổ phần hoá trong năm 2018 và đương nhiên Transerco cũng nằm trong số các DNNN đó.

img

Transerco nằm trong danh mục sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 

Được biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến đến năm 2020. Trong đó, danh sách các doanh nghiệp thuộc TP.Hà Nội nhà nước sở hữu từ 50% - 65% vốn có Transerco.

Về tiến độ cổ phần hoá, tính đến năm 2016, Transerco đã thoái vốn nhà nước tại bốn công ty: TNHH MTV Bến xe Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội); Xí nghiệp Xe điện Hà Nội (Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội); Xí nghiệp Vận tải du lịch (Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch - Newway); Xí nghiệp xe buýt Liên Ninh (Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh). 

Đại diện Transerco chia sẻ trên báo chí sẽ triển khai kế hoạch thoái vốn nhà nước và cổ phần hoá tổng công ty trong năm 2019. Tuy nhiên, sắp hết năm 2019 nhưng việc cổ phần hoá vẫn còn dở dang. 

Lãnh đạo Transerco cũng có sự thay đổi, khoảng tháng 10/2018, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Trung, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Transerco thay ông Nguyễn Phi Thường. Thời hạn bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Trung là 5 năm. 

Nhiều khu “đất vàng” đã trở thành cao ốc

Hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ, lợi thế của Transerco là đang quản lý, sử dụng nhiều khu “đất vàng” rộng hàng nghìn mét vuông và có vị trí đắc địa. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc doanh nghiệp có quỹ đất ở vị trí đẹp nhưng lại không có tiền phát triển dự án bất động sản bắt tay cùng doanh nghiệp có vốn nhưng không có quỹ đất để cùng triển khai dự án đã khá phổ biến.

Mới đây, dư luận đang đặc biệt quan tới trước thông tin Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán nằm tại vị trí 122 - 124 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội được động thổ vào cuối tháng 3/2019. Chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập vào tháng 6/2016, địa chỉ trụ sở chính nằm ngay tại Dự án.

img

Dự án Khu phức hợp tại 122 - 124 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội được động thổ vào cuối tháng 3/2019 và đang được xây dựng.

Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do Công ty CP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) nắm giữ cổ phần chi phối 51%, Transerco sở hữu 28% và Công ty CP Hoa Cương nắm giữ 21% còn lại. Khu đất trên vốn là Xí nghiệp Trung đại tu ô tô và Trung tâm Tân Đạt - các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc của Transerco.

Tương tự, báo cáo tài chính năm 2017 của Transerco cũng cho biết, doanh nghiệp này nắm giữ 26% cổ phần Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hồ Tây, đơn vị phát triển tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại tại địa chỉ 69B Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Địa chỉ này hiện là Dự án Sun Grand City Thụy Khuê Residence.

Hay Transerco nắm trong tay 40% cổ phần Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza, chủ sở hữu Dự án Khách sạn Nikko tọa lạc tại vị trí "vàng" 84 Trần Nhân Tông. Từ 1/1/2019, khách sạn này đã được đổi tên thành Hotel Du Parc Hà Nội.

Ngoài ra, khu đất rộng hàng chục nghìn m2 nằm cạnh Nghĩa trang Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) được UBND TP. Hà Nội giao cho Transerco xây dựng hệ thống các khu dịch vụ xe buýt tại điểm Mai Dịch. Tuy nhiên, việc triển khai khu dịch vụ xe buýt này cũng đang được phản ánh là thực hiện chưa đúng thiết kế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem