Nhiều khuyến cáo, tiền ngân hàng vẫn đổ vào nhà đất
Ngày 5/12, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết trong 11 tháng năm 2019, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm nay; huy động vốn tăng 11,9% so với đầu năm.
Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản đạt 252.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn TP, tương đương mức tăng 9,6% so với đầu năm.
Thống kê cụ thể từng phân khúc tín dụng, số liệu của Ngân hàng Nhà nước trước đó tính đến tháng 8/2019, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng tới 14,58% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế.
Nếu theo dư nợ tín dụng của nền kinh tế đến tháng 9/2019 khoảng 7,88 triệu tỷ đồng, tín dụng lĩnh vực bất động sản có tỉ trọng 19,14%, tương đương các tổ chức tín dụng đã cho vay ra thị trường khoảng 1,5 triệu tỉ đồng.
Từ đầu năm đến nay và trong báo cáo mới đây gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước liên tục khẳng định chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản. Dù vậy, bất chấp các khuyến cáo, tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng đáng kể so với cuối năm ngoái.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 22 theo hướng tiếp tục siết mạnh với cho vay bất động sản khi giảm dần tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; đồng thời tăng hệ số rủi ro đối với khoản vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhìn nhận Ngân hàng Nhà nước đã phân nhóm thị trường bất động sản theo hệ số rủi ro để tổ chức tín dụng cho vay, trong đó khuyến khích những người vay mua nhà cho nhu cầu ở thực.