Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nhiều nhà đầu tư sẽ đến làm ăn lâu dài ở Tây Nguyên và Gia Lai

Khánh Nguyên (ghi) Thứ bảy, ngày 21/05/2022 07:05 AM (GMT+7)
Sáng nay 21/5, Diễn đàn kết nối Tây Nguyên do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức sẽ chính thức khai mạc. Nhân dịp này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến về những tiềm năng phát triển nông nghiệp Tây Nguyên.
Bình luận 0
Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nhiều nhà đầu tư sẽ đến làm ăn lâu dài ở Tây Nguyên và Gia Lai - Ảnh 1.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, nhiều nhà đầu tư sẽ đến làm ăn lâu dài ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, giúp cho Tây Nguyên phát triển "Nông nghiệp sinh thái - chất lượng nâng cao - đậm đà bản sắc".

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng nông sản của Tây Nguyên? Những hạn chế của nông sản Tây Nguyên là gì?

- Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; vùng có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ ba zan; là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái. 

Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu có chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh....; phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh; trong đó, Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo.

Thêm vào đó, hệ thống giao thông đường bộ và đường không dần được hoàn thiện với 03 sân bay (01 sân bay quốc tế, 02 sân bay nội địa); tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong vùng và liên vùng (vùng Duyên hải Miền Trung, vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh), với vùng Đông bắc Campuchia và các quốc gia trong khu vực...

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. 

Nhờ vậy, sản xuất kinh doanh nông nghiệp vùng Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%/năm, năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước.

Tuy nhiên, nông nghiệp Tây Nguyên cũng đang đối mặt những thách thức lớn từ xuất phát điểm "manh mún, nhỏ lẽ, tự phát" và do biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng xanh trên thế giới. 

Tác động biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn đến sản xuất, thiếu nước tưới trong mùa khô; sâu bệnh nhiều, dẫn đến phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng, tăng đầu vào sản xuất, gây khó khăn cho sản xuất chứng nhận và quản lý chất lượng sản phẩm.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn (trong khi địa hình cao nguyên rộng, không bằng phẳng, chia cắt…

Diện tích nuôi, trồng vẫn chưa thực sự lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt, còn tình trạng buôn bán nguốn giống kém chất lượng; khâu thu hoạch, chế biến chưa chưa phát triển, chủ yếu là sơ chế.

Chưa kết nối tốt giữa người sản xuất, chế biến với tiêu dùng; đặc biệt là khâu sản xuất nông lâm nghiệp găn với phát triển du lịch - dịch vụ, quảng bá sản phẩm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, mặc dù có tiềm năng rất lớn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nhiều nhà đầu tư sẽ đến làm ăn lâu dài ở Tây Nguyên và Gia Lai - Ảnh 2.

Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu, cao su... Trong ảnh: Nông dân xã Nam Yang, Đắk Đoa, Gia Lai phơi sấy cà phê. Ảnh: K.N

Xin Thứ trưởng cho biết Bộ NNPTNT đã có những định hướng như thế nào, các tỉnh Tây Nguyên cần phải làm gì để khắc phục những tồn tại trên, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến tiêu thụ nông sản bền vững, đưa nông sản Tây Nguyên vươn xa?

Để khắc phục những tồn tại trên và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến tiêu thụ nông sản bền vững, nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên trên toàn cầu, Bộ NNPTNT và các tỉnh Tây Nguyên có định hướng và giải pháp như sau:

Một là, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Coi trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực "Khoa học công nghiệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa; nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai  là, xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn phát triển nông nghiệp Tây Nguyên; bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, phòng chống thiên tai. 

Phân bổ, quy hoạch vùng, xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, khai thác đất đồi núi trọc để đa dạng chuyên canh nhưng toàn vùng lại đa dạng, xây dựng các trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao, như cây dược liệu, cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, gỗ rừng trồng…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Nhiều nhà đầu tư sẽ đến làm ăn lâu dài ở Tây Nguyên và Gia Lai - Ảnh 3.

Bộ NNPTNT, Tổ chức phi chính phủ AGRITERRA (\Hà Lan) và De Heus Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ về Chương trình nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên. Ảnh: H.L

Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên,  thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai theo quy định của pháp luật để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. 

Tổ chức thực hiện hiệu quả việc bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng phát huy giá trị của rừng; nghiên cứu, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế về quản lý, sử dụng rừng bền vững. Phối hợp tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để xây dựng vùng sinh thái đầu tư cho hợp tác, phát triển kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên.

Bốn là, đẩy mạnh khâu nghiên cứu, chọn tạo, nâng cao chất lượng giống cây trông vật nuôi, quản lý giống cây trồng, vật nuôi; đặc biệt cần chú ý phát triển những giống đặc sản, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. 

Đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp theo nhiều hình thức. Xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế, kích thích sản xuất - kinh doanh nông sản phát triển; gắn kết gần hơn giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Năm là, phát triển mạnh, chú trọng nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng. Kết nối hành lang đa dạng sinh học với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; cùng các vùng kết nối chia sẻ thông tin sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy mô, diện tích sản xuất phục vụ chế biến, tiêu dùng, giảm rủi do. Xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường không kết nối nội vùng và với các vùng khác.

Sáu là, Bộ NNPTNT, UBND các tỉnh tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư vào các khâu liên kết sản xuất, chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản. 

Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cấp, cải tạo hồ chứa và hệ thống kênh mương dẫn nước tưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp, chăn nuôi và chế biến nông sản.

Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, kết nối sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản, được địa phương, doanh nghiệp, bà con nông dân ghi nhận và đánh giá rất cao. Việc Bộ phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản Tây Nguyên tại Gia Lai lần này có ý nghĩa như thế nào đối với nông nghiệp tỉnh Gia Lai nói riêng và nông nghiệp khu vực Tây Nguyên nói chung, thưa Thứ trưởng?

Tiếp tục rút kinh nghiệm, phát huy những thành công của việc tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại một số địa phương thời gian vừa qua, lần này, Bộ NNPTNT phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp; điều này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tỉnh Gia Lai.

Việc tổ chức Hội nghị sẽ thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, phù hợp với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, lấy chất lượng và giá trị thay vì sản lượng cao, chất lượng thấp như trước đây. 

Là dịp các nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu điều kiện thực tế, nghiên cứu các chính sách ưu đãi của tỉnh để đầu tư vào Gia Lai và Tây Nguyên.

Sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương là nguồn khích lệ, động viên lớn đến đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung, cũng như cộng đồng doanh nghiệp để tạo niềm tin, phấn đấu đưa sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh phát triển lên tầm cao mới, xứng với tiềm năng của địa phương và vùng. 

Tôi tin tưởng rằng sau Hội nghị này, nhiều nhà đầu tư sẽ đến làm ăn lâu dài ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên, giúp cho Tây Nguyên phát triển "Nông nghiệp sinh thái - chất lượng nâng cao - đậm đà bản sắc".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem