Nhiều nông sản “nhạy cảm” của Việt Nam được vào Hàn Quốc

Mai Hương Thứ ba, ngày 05/05/2015 14:45 PM (GMT+7)
Ngày 5.5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Bình luận 0

img

Những mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... được coi là nhạy cảm đối với Hàn Quốc

Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng đàm phán chính thức và 8 vòng đàm phán cấp Trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, hai Bên đã thống nhất toàn bộ nội dung Hiệp định VKFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc) mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích.

img

Lễ Ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc

Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam. Trước hết, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc.

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Yoon Sang-jick đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc).

Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan (ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN).

Ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện...

Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.

Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, Hiệp định cũng sẽ đặt ra nhiều  thách thức đối với Việt Nam. Đó là việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải không ngừng kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong môi trường kinh tế vận hành theo thông lệ quốc tế...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem