Nhiều tháng vắng bóng khách, chủ nhà hàng - khách sạn tại Sa Pa điêu đứng

Quỳnh Chi Thứ tư, ngày 09/09/2020 16:22 PM (GMT+7)
Trước đây, nếu ai đó có dịp lên Sa Pa thường sẽ phải đặt trước phòng do lượng khách luôn quá tải, nhưng thời điểm này thì ngược lại: nhiều dãy nhà hàng không bóng người, khách sạn đóng cửa, taxi xếp hàng dài “ngủ đông”…
Bình luận 0

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên thị trấn du lịch vắng lặng như thế này. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sa Pa vắng khách trong suốt gần 3 tháng đầu năm trước đó.

Giảm giá 20-50% khách sạn vẫn không có khách

Sa Pa (Lào Cai) luôn là địa điểm thu hút du khách thập phương, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tháng nay điểm du lịch này bỗng vắng lặng khác thường.

img

img

Nhiều nhà hàng vắng bóng du khách 

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai) trở nên lặng lẽ, vắng lặng. Các hàng quán đã phải đóng cửa, mọi hoạt động kinh doanh, các điểm tham quan du lịch, biểu diễn văn hóa, văn nghệ dừng hoạt động vì vắng bóng du khách.

Theo Trưởng phòng văn hóa và thông tin thị xã Sa Pa, trước đây, Sa Pa đón khoảng từ 50.000-60.000 lượt khách/tuần, nay giảm xuống còn từ 4.000-4.500 khách/tuần. Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng khách du lịch đến với Sa Pa đạt hơn 736.000 lượt, bằng 33,5% so với cùng kỳ.

img

Do không có khách, nhiều hàng quán đã phải đóng cửa, các điểm tham quan du lịch dừng hoạt động.

Chị Nguyễn Thu Thủy chủ một nhà hàng trên đường Điện Biên Phủ, thị trấn Sa Pa, Lào Cai cho biết, nhiều ngày nay, các nhà hàng ở đây "sống dở chết dở" vì mở cửa mà chẳng có một bóng khách nào. Nhà hàng đa phần đều cắt giảm nhân lực để tiết kiệm chi phí vận hành.

"Khách đợt này vắng lắm. Nếu không ảnh hưởng dịch bệnh, cửa hàng nhà tôi mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến thưởng thức đặc sản Sa Pa. Nhưng nay cả tuần cũng chỉ đón vài đoàn khách. Tôi phải cho nhân viên trong quán nghỉ thay phiên nhau để giảm chi phí vận hành", chị Nguyễn Thu Thủy nói.

img

img

Không chỉ nhà hàng vắng khách, nhiều khách sạn, nhà nghỉ cũng rơi vào tình trạng vắng bóng người.

Anh Lê Hải, chủ một khách sạn tại Sa Pa cũng than thở: “Chỉ những ngày cuối tuần mới có vài ba tốp khách là thanh niên bạn bè xuất hiện, chứ không có khách gia đình hay cơ quan đoàn thể như trước đây. Khách nước ngoài tuyệt nhiên lại càng vắng bóng.

Vì không có khách, giá phòng cũng đồng loạt giảm từ 20 đến 50% nhưng vẫn không có khách đặt" anh Hải chia sẻ.

Anh Hoàng Phi Hồng – một khách du lịch Hà Nội có mặt tại Sa Pa ngày 4/9 cho biết, Sa Pa thời điểm mùa thu khí hậu tuyệt đẹp nhưng thật đáng buồn bởi cả dãy phố dài chỉ có vài bóng người qua lại, nhà hàng - khách sạn cũng lặng yên.

Doanh nghiệp “thoi thóp”, nhân viên bỏ việc hàng loạt

Được biết, tháng 7 và tháng 8 là hai tháng cao điểm của du lịch nội địa Việt Nam nhưng lượng khách hủy tour chiếm 95-100%. Trong khi đó, thị trường khách du lịch quốc tế vẫn đang tiếp tục “đóng băng” khiến cho hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước tiếp tục kéo dài thời gian ngưng trệ. 

img

Nhiều nhà hàng cho biết, dù vắng khách nhưng vẫn mở cửa duy trì

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, tình hình kinh doanh khó khăn khiến 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, nhiều lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm. Không ít doanh nghiệp lữ hành, khách sạn lớn đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, buộc người lao động làm việc luân phiên hoặc cho nghỉ không lương từ 60%-90% nhân lực.

img

img

Trung tâm thị xã đìu hiu, vắng bóng du khách, chỉ lác đác một vài người bán hàng rong

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc công ty Mr Linh’s Adventures cho biết, nhân sự du lịch giờ một phần đã đi mất hoặc đổi nghề vì không có việc làm, cụ thể Công ty Mr Linh’s Adventures cũng đã có những nhân sự không làm du lịch nữa mà phải kiếm nghề khác vì không có việc.

“Là công ty chuyên về Inbound, hơn 6 tháng qua chúng tôi phải hoạt động cầm chừng. Hiện công ty đang cho nhân viên nghỉ ở nhà đối với những bạn yêu nghề và muốn bám nghề trong thời gian tới (Công ty hỗ trợ 30% lương BHXH). Tuy nhiên, nhiều bạn đã chọn con đường khác vì lương không đủ chi trả cho cuộc sống và cũng một phần nản vì không biết khi nào mới có khách quay lại Việt Nam”, ông Linh chia sẻ.

Cũng theo ông Linh, thời điểm này dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, Nhà nước nên mở cửa các điểm du lịch trở lại càng sớm càng tốt.

img

Ngày cuối tuần, lượng khách tuy có tăng nhưng doanh thu chỉ đạt 1/4 so với trước

“Giờ phải xác định sống chung với dịch và duy trì những biện pháp an toàn song song. Bên cạnh đó, sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới giảm, có vaccine nếu Việt Nam đón khách nước ngoài trở lại thì có thể sử dụng tiêu chí mở cửa đón khách toàn cầu và ưu tiên người nào có chứng nhận đã hoàn thành chương trình tiêm vaccine COVID-19 là cho nhập cảnh”, ông Linh kiến nghị.

Trước tình hình khó khăn mà ngành du lịch – khách sạn đối diện trong thời gian qua Tổng Cục Du lịch nhận định, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch và phương hướng phục hồi sau mùa dịch.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem