Nhiều "tin tốt" từ Quyết định 422, cổ phiếu vua vẫn rớt thảm, vì đâu?

24/03/2022 15:50 GMT+7
Tăng vốn cho 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là một trong những nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong kế hoạch hành động mới nhất.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Cụ thể kế hoạch tăng vốn cho Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank giai đoạn 2021 – 2023

Một trong những nhiệm vụ đáng lưu ý tại Quyết định ban hành Kế hoạch hành động mới nhất này, là việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Theo đó, nguồn lực để thực hiện tăng vốn là nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (Vietcombank, VietinBank và BIDV) và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Kế hoạch hành động mới nhất: Tăng vốn cho 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, cổ phiếu vẫn rớt “thảm” - Ảnh 1.

NHNN nêu cụ nguồn lực tăng vốn cho Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank giai đoạn 2021 - 2023 tại Kế hoạch hành động vừa ban hành. (Ảnh: ST)

Thực tế, tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước không còn là câu chuyện mới. 

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022, các lãnh đạo của các nhà băng này đều cho rằng việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức bức thiết.

Chẳng hạn như tại Agribank, theo chia sẻ của ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức cần thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

"Hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Agribank trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội kỳ này về việc tăng vốn cho Agribank. Kính đề nghị ngoài lợi nhuận để lại cần dành Ngân sách Nhà nước để sớm tăng vốn cho Agribank trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa dự kiến là 31/12/2022 sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước khi cổ phần hóa", ông Ấn nói.

Kế hoạch hành động mới nhất: Tăng vốn cho 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, cổ phiếu vẫn rớt “thảm” - Ảnh 2.

Các ngân hàng quốc doanh đồng loạt xin tăng vốn. (Ảnh: Agribank)

Hay như BIDV - ngân hàng này đã được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu và luôn trong top dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ cũng bày tỏ mong muốn được tăng thêm vốn tại Hội nghị này.

Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn tới 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Để giải thích cho nhận định trên, ông Tú viện dẫn số liệu của World Bank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 13% năm 2015 xuống còn 11,1% vào tháng 6/2021. CAR 4 ngân hàng thương mại Nhà nước còn thấp hơn chỉ khoảng 9,17% với 3 ngân hàng thương mại đã áp dụng Thông tư 41 và khoảng hơn 10% với Agribank – hiện đang áp dụng Thông tư 22.

"Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt, thông qua các hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…", ông Phan Đức Tú nói.

Kế hoạch hành động mới nhất: Tăng vốn cho 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, cổ phiếu vẫn rớt “thảm” - Ảnh 3.

Cổ phiếu ngân hàng "đỏ lửa" phiên giao dịch ngày 24/3. (Nguồn: SSI)

Trên thị trường chứng khoán, đón nhận thông tin về kế hoạch hành động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, trong đó việc tăng vốn của các "ông lớn" phần nào được cụ thể hóa, tuy nhiên các cổ phiếu của những ngân hàng này vẫn "rớt" thảm trong phiên giao dịch ngày hôm nay.

Cụ thể, cổ phiếu CTG của VietinBank chốt phiên giao dịch ngày hôm nay (24/3), giảm 0,91%,xuống 32.550 đồng/cp. Đây cũng là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu CTG chìm trong sắc đỏ.

Tương tự, cổ phiếu VCB của Vietcombank cũng bị "thổi bay" 1,65% trong phiên này, xuống chốt phiên tại 83.500 đồng/cp. Cổ phiếu BID của BIDV giảm 0,69%, xuống 43.100 đồng/cp. Như vậy, BIDV đã có 4 phiên giảm điểm liên tiếp từ ngày 21 – 24/3.

Triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2022 – 2023

Quay trở lại với Quyết định số 422/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng mới ban hành, nhiệm vụ và giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng được Ngân hàng Nhà nước cụ thể hóa trong kế hoạch hành động này.

Cụ thể, cơ quan này sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kế hoạch hành động mới nhất: Tăng vốn cho 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh, cổ phiếu vẫn rớt “thảm” - Ảnh 3.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. (Ảnh: CTG)

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và  miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Riêng đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, tại dự thảo thông tư được NHNN lấy ý kiến mới đây, sẽ có 10 nhóm ngành nằm trong diện được hưởng hỗ trợ lãi suất gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin.

Nguồn tín dụng sẽ được hướng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, vấn đề xử lý nợ xấu, giám sát chặt chẽ và đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng cũng được NHNN chú trọng tại Kế hoạch vừa ban hành.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục