Nhìn từ cuộc đua căng thẳng vào đại học: Tiếp tục tăng cường hướng nghiệp cho học sinh

Việt Phương Thứ năm, ngày 08/10/2020 06:30 AM (GMT+7)
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao tâm lý buộc phải vào ĐH lại nặng nề và phổ biến như vậy, cho dù con đường học ĐH không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công? Tại sao học nghề vẫn chưa được nhiều thí sinh, phụ huynh lựa chọn?
Bình luận 0

Chiều 5/10, Trường ĐH Thăng Long bất ngờ đưa ra thông báo sáng 6/10, trường này sẽ mở đợt xét tuyển bổ sung tất cả các khối ngành cho đến khi hết chỉ tiêu. Điều đáng chú ý, nhà trường khẳng định sẽ ưu tiên xét những thí sinh nộp trước chứ không phải xét về điểm số vì số lượng đăng ký quá đông. Chính vì vậy, ngay từ đêm 5/10 đã có hàng nghìn phụ huynh, thí sinh chen chúc xếp hàng tại trường để lấy số nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung. Không khí hỗn loạn này kéo dài tới cuối ngày 6/10.

Chính những câu chuyện như vậy không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao tâm lý buộc phải vào ĐH lại nặng nề và phổ biến như vậy, cho dù con đường học ĐH không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công? Tại sao học nghề vẫn chưa được nhiều thí sinh, phụ huynh lựa chọn?

Tiếp tục tăng cường hướng nghiệp cho học sinh - Ảnh 1.

Tại Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), khu vực nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung chật kín người chiều 6/10. Ảnh: Dương Tâm

Có thể dễ dàng chỉ ra những lợi ích của việc chọn lựa học nghề sau khi tốt nghiệp THPT, như: Thời gian học ngắn hơn, việc học nghề chuyên sâu, cầm tay chỉ việc khiến người học dễ nắm bắt. Ngoài ra, khả năng có việc làm ngay rất cao, thậm chí là có khả năng đi làm việc ở nước ngoài với mức lương cao...

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số gần đây nhất (quý I/2020) do Bộ LĐTBXH phối hợp Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ ĐH trở lên trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) là 3,51%. Đây là con số không phải quá cao, nhưng để thấy rằng không phải cứ vào ĐH thì sẽ đảm bảo được một tương lai công việc ổn định.

Một con số đáng chú ý: Năm 2020 có 205.000 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT mà không đăng ký xét tuyển ĐH. Xu hướng này có tăng trong một vài năm trở lại đây. Như vậy, chắc hẳn đã có những chuyển biến tích cực trong tâm lý của học sinh về việc định hướng nghề nghiệp và quyết định học nghề sau khi tốt nghiệp THPT, thay vì làm đủ mọi cách, đánh đổi nhiều thứ để có thể vào giảng đường ĐH.

Nói về điều này, PGS - TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, từ phía các địa phương và ngành giáo dục cần có khảo sát cụ thể xem những học sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ thực tế sẽ học nghề hay vào ĐH bằng các phương thức khác. Qua đó, sẽ tính toán được hiệu quả của công tác phân luồng và hướng nghiệp đang có những tồn tại gì.

Ngoài ra, điều này cũng đặt ra cho các trường ĐH, CĐ bài toán nâng cao chất lượng đào tạo để hút thí sinh. Nếu các trường ĐH, CĐ chỉ tìm cách tuyển sinh, tăng chỉ tiêu cơ học mà quên đi bài toán chất lượng thì việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng lao động trong tương lai.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem