Thái Nguyên: Nhờ bí quyết này mà 1 bản toàn hộ nghèo nay "lên đời" có nhà cửa khang trang, mua cả xe hơi

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 05/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
Từ một bản Mông với 100% các hộ đều thuộc diện hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Lân Chiêu (xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã giảm xuống đáng kể, thậm chí có nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa khang trang, mua được xe hơi.
Bình luận 0

Bản nghèo đổi thay 

Khu Lân Chiêu (xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) là nơi có nhiều bà con dân tộc Mông sinh sống tập trung thành làng bản ở sát chân núi.

Đến Lân Chiêu hôm nay, con đường vào bản dài gần 2km, trước đây chỉ là con đường đất nhỏ, thường xuyên lầy lội, nay đã được trải hoàn toàn bằng bê tông và rải cấp phối vào sát chân dãy núi đá, ô tô có thể chạy bon bon. Khắp bản người Mông này cũng không còn bóng dáng của những căn nhà tạm, nhà dột nát, thay vào đó là những căn nhà xây khang trang, sạch đẹp.

Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay và khởi sắc từng ngày ở bản nghèo người Mông huyện vùng cao Võ Nhai  - Ảnh 1.

Lân Chiêu hôm nay đổi thay rõ rệt với những con đường bê tông trải dài tít tắp

Dẫn PV đi thăm bản, chị Lâm Thị Phương Lan - Chi hội trưởng phụ nữ xóm La Mạ hồ hởi khoe: "Trước đây, người Mông ở đây khó khăn lắm, nhưng giờ đã thay đổi rất nhiều, hộ nào cũng có cuộc sống khấm khá và ổn định hơn trước nhờ biết làm ăn kinh tế. Hiện khu Lân Chiêu có tất cả 29 hộ người Mông với 165 nhân khẩu, trong đó hộ nào cũng có từ 5 – 6 con trâu bò".

"Đồng bào Mông ở đây chịu khó lắm, ai cũng làm quần quật và cặm cụi từ sáng sớm tới tận tối muộn, chứ không bê tha rượu chè như trước kia. Nhờ thế mà cuộc sống của họ hôm nay mới được êm ấm thế này", chị Hoàng Hà Linh – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Lâu Thượng phấn khởi nói.

Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay và khởi sắc từng ngày ở bản nghèo người Mông huyện vùng cao Võ Nhai  - Ảnh 2.

Chị Lâm Thị Phương Lan chi hội trưởng phụ nữ xóm La Mạ tuyên truyền hướng dẫn bà con cách làm kinh tế hiệu quả

Để chứng minh về sự đổi thay ở Lân Chiêu, Chi hội trưởng phụ nữ xóm La Mạ dẫn PV Dân Việt đi thăm một số hộ gia đình có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế ở đây.

Theo Chi hội trưởng phụ nữ xóm La Mạ đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Mỳ. Trước đây, gia đình anh cũng thuộc diện hộ nghèo của xóm. Nhờ thay đổi tập quán canh tác, đến cuối năm 2019, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang, có tiền cho con trai đi xuất khẩu lao động.

Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay và khởi sắc từng ngày ở bản nghèo người Mông huyện vùng cao Võ Nhai  - Ảnh 3.

Nhờthay đổi tập quán canh tác, gia đình anh Hoàng Văn Mỳ đã có cuộc sống khấm khá và thoát nghèo

Người Mông làm kinh tế

Anh Mỳ cho biết, lúc đầu, gia đình anh vay vốn của Hội phụ nữ xã Lâu Thượng 20 triệu đồng để mua máy cày phục vụ sản xuất. Sau đó, anh lại vay thêm 30 triệu đồng từ ngân hàng để nuôi trâu bò sinh sản và vỗ béo. Chỉ sau khoảng 3 năm nuôi trâu bò đến nay, anh đã cơ bản trả gần hết nợ ngân hàng và thoát nghèo.

"Trước đây, bà con vẫn duy trì phương thức chăn nuôi trâu bò theo hình thức chăn thả tự do. Nhưng từ khi nhận thức thay đổi, bà con chúng tôi đã chuyển sang nuôi nhốt rồi trồng cỏ cho ăn nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn", anh Mỳ chia sẻ.

Theo anh Mỳ, hiện nay, ngoài làm 8 sào ruộng, thu nhập kinh tế của gia đình anh chủ yếu từ chăn nuôi trâu bò vỗ béo và sinh sản. Trung bình mỗi năm với 1 con trâu bò vỗ béo nếu chăm tốt, gia đình anh lãi từ 7 – 8 triệu đồng/con. Hiện nay gia đình anh có tất cả 3 con trâu, 1 con bò, tính ra mỗi năm nếu chăm sóc tốt cũng thu về vài chục triệu đồng.

Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay và khởi sắc từng ngày ở bản nghèo người Mông huyện vùng cao Võ Nhai  - Ảnh 4.

Nhờ nuôi bò vỗ béo, gia đình anh Dương Văn Phòng xây được nhà đẹp, mua ô tô

Gia đình anh Dương Văn Phòng vốn quê ở xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai chuyển về sinh sống tại khu Lân Chiêu đã được gần 10 năm. Gia đình anh Phòng phát triển kinh tế nhờ nuôi bò vỗ béo để bán với số lượng lớn.

Ngoài ra, anh Phòng còn đào ao thả cá để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ thu nhập ổn định, đến nay gia đình anh Phòng đã xây được nhà đẹp và sắm được cả ô tô.

Còn gia đình ông Ngô Văn Dinh cũng là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả ở khu Lân Chiêu.

Ông Dinh cho biết, ngày nào vợ chồng ông bà cũng dậy từ 4 rưỡi, 5 giờ sáng để đi vào rừng cách nhà hàng hơn chục cây số cắt cỏ về chăn bò. Đến khi trời sáng mọi người thức dậy cũng là lúc ông bà mang về những ôm cỏ to và bắt đầu những công việc thường nhật.

Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay và khởi sắc từng ngày ở bản nghèo người Mông huyện vùng cao Võ Nhai  - Ảnh 5.

Nhờ chăm chỉ, gia đình ông Ngô Văn Dinh có điều kiện kinh tế khá giả


Anh Trịnh Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho biết, năm 2015, xã Lâu Thượng đã về đích nông thôn mới. Từ đó đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 17,32% xuống chỉ còn 3%.

Đối với đồng bào dân tộc Mông ở khu Lân Chiêu, xóm La Mạ, họ bắt đầu chuyển từ trên núi xuống sinh sống và định cư từ những năm 2010. Đến nay, bà con đã sinh sống cố định tại khu vực này và tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ có cuộc sống khá giả. Năm 2015, cả khu có tất cả 22 hộ nghèo nhưng đến nay chỉ còn 12 hộ.

Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể ở địa phương thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay. Đặc biệt, đó là nhờ bà con người Mông ở đây đã thay đổi tư duy, nhận thức.

Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay và khởi sắc từng ngày ở bản nghèo người Mông huyện vùng cao Võ Nhai  - Ảnh 6.

Những đứa trẻ ở Lân Chiêu đi học trên con đường bê tông mới được đầu tư xây dựng khang trang.

"Đến nay, đời sống bà con nhân dân nơi đây được cải thiện và nâng lên đáng kể, hầu hết các hộ đều có cuộc sống khá giả hơn trước. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường", Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem