Nhổ nước bọt vào nữ nhân viên xe buýt: Phạt tiền có đủ sức răn đe?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 18/09/2020 10:23 AM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, trong trường hợp hành vi được xác định là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác khiến nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe thì người xúc phạm đến nạn nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, trên chuyến xe buýt CNG tuyến 01 Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây (Hà Nội), chị Vũ Thị Mận - nhân viên bán vé trên xe buýt đã nhắc nhở một người đàn ông đeo khẩu trang khi lên xe theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó, người đàn ông này không chấp hành, chửi mắng chị Mận và có hành động nhổ nước bọt vào người chị Mận sau khi xuống xe buýt.

Sau quá trình điều tra, cơ quan công an xác định người đàn ông nhổ nước bọt vào nữ nhân viên xe buýt tên là Nguyễn Thanh Bình, SN 1978, ở xã Hương Ngải, huyện Thạch, Hà Nội. Đồng thời, UBND xã Hương Ngải đã ra quyết định xử phạt 300.000 đồng đối với ông Bình về hành vi vi phạm.

Vụ nhổ nước bọt vào nữ nhân viên xe buýt: Phạt tiền có đủ sức răn đe? - Ảnh 1.

Người đàn ông áo xanh nhổ nước bọt vào nữ nhân viên xe buýt tuyến Mỹ Đình- bến xe Sơn Tây. Ảnh cắt từ clip.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người.

Hiến pháp quy định mọi người được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Theo luật sư Cường, với hành vi khiếm nhã là nhổ nước bọt vào mặt người khác trước đông người thì đây là hành vi xấu xí, không thể chấp nhận, thậm chí đây là hành vi vi phạm pháp luật, làm nhục người khác.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hậu quả chưa đến mức nghiêm trọng, người bị nhổ nước bọt chưa đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khoẻ thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi này sẽ có bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

"Còn trong trường hợp hành vi được xác định là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác khiến nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe thì người xúc phạm đến nạn nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015", luật sư Cường nói.

Vụ nhổ nước bọt vào nữ nhân viên xe buýt: Phạt tiền có đủ sức răn đe? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp.

Luật sư Cường cho hay, trong vụ việc nêu trên, việc hành khách nhổ nước bọt vào mặt nhân viên xe buýt cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ hậu quả để lại, hành vi đó có gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nhân viên xe buýt không, có gây ra hậu quả về sức khỏe hay không để có hình thứ xử lý phù hợp .

Trường hợp hành vi này chưa đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội, chưa ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và sức khỏe của nạn nhân, thì không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội làm nhục người khác mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định pháp luật nêu trên.

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, nhổ nước bọt vào mặt, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip...

Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình.

Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Tuy nhiên để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì những hành vi nêu trên phải gây ra một hậu quả nghiêm trọng.

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của hành vi của hành khách đã thực hiện với nhân viên xe buýt thì cơ quan chức năng sẽ xem xét dù hành vi nhổ nước bọt là hành vi có dấu hiệu của tội làm nhục người khác nhưng đã tới mức nghiêm trọng để có thể khởi tố vụ án hình sự hay chưa thì mới xử lý.

Luật Cường cho rằng, hành vi của người đàn ông này không đeo khẩu trang khi được yêu cầu thực hiện trong giai đoạn cả nước đang yêu cầu thực hiện quy định về phòng chống dịch Covid-19 thì đây là hành vi coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe của bản thân và người khác.

Theo điểm a, khoản 1, điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì hành vi "Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch" có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

"Hành vi của người đàn ông trên xe buýt nếu có thêm tình tiết tăng nặng là lăng mạ, phỉ báng nhân viên phục vụ xe buýt thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 300.000 đồng. Hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự", ông Cường nói và cho biết thêm, trong một số trường hợp, nếu như đủ căn cứ, cơ quan chức năng cần phải xử lý hình sự để tạo sự răn đe, nâng cao ý thức của người dân khi đi xe buýt.

Ngoài ra, trường hợp người đàn ông này mắc Covid-19 mà có hành vi nhổ nước bọt vào người khác cố ý làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Mức phạt thấp nhất của hành vi này là phạt tiền, cao nhất là phạt tù 12 năm.

Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể như sau: Người nào thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; Làm chết người. Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem