Nhóm chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch 5 năm của ngành xây dựng?

Trần Kháng Chủ nhật, ngày 27/12/2020 18:30 PM (GMT+7)
Ngành Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 05 năm 2016 - 2020, một nhóm chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.
Bình luận 0

Theo Bộ Xây dựng, ngành xây dựng bước vào triển khai các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực. Khu vực xây dựng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.

Tuy nhiên chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành Xây dựng nói riêng còn thấp, năng suất lao động chưa cao, vốn đầu tư phát triển còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm;

Một số hạn chế về quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị từ nhiều năm, tuy đã được khắc phục từng bước nhưng chưa dứt điểm; hậu quả của biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt là tác động lớn của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của kinh tế, xã hội đã ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động của ngành Xây dựng...

Nhóm chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch 5 năm của ngành xây dựng? - Ảnh 2.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đến năm 2020 thấp hơn mục tiêu.

Báo cáo về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm (2016-2020), Bộ Xây dựng Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch 05 năm 2016 - 2020, một nhóm chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Đối với nhóm chỉ tiêu đạt kế hoạch: Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5% - 8,7%/năm (mục tiêu trong Kế hoạch 05 năm cả nước là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân từ 8,0 - 8,5%/năm);

Tỷ lệ đô thị hóa, ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020 (đạt so với chỉ tiêu trong Kế hoạch 05 năm của cả nước 38 - 40%);

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước tính đến năm 2020 đạt khoảng 90%. Tính đến năm 2018, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở thành thị là 99,5%, nông thôn là 90,8% (đạt mục tiêu trong Kế hoạch 05 năm của cả nước là "95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh").

Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.

Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị: ước đến năm 2020 đạt khoảng 91% (mục tiêu đề ra trong Kế hoạch là 90% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn).

Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác đạt được như sau: Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến hết năm 2020 ước đạt 18% hoàn thành mục tiêu của Định hướng phát triển cấp nước đề ra; Các loại sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần dành cho xuất khẩu. Tổng sản lượng xi măng đến năm 2020 ước đạt 103 triệu tấn (đạt 100% kế hoạch); gạch ốp lát đạt 560 triệu m2 (đạt 99,3% kế hoạch); sứ vệ sinh đạt 19 triệu sản phẩm (đạt 90% kế hoạch); kính xây dựng đạt 280 triệu m2 (154,7% kế hoạch); gạch xây nung, gạch không nung đạt 30 tỷ viên (đạt 103% kế hoạch), đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước.

Riêng nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch là diện tích bình quân nhà ở toàn quốc. Ước năm 2020 đạt 24 m2 sàn/người (không đạt mục tiêu của kế hoạch đề ra là 25m2 sàn/người). Trong đó về phát triển nhà ở xã hội: 5,21 triệu m2, đạt khoảng 41,7 % so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 (tại Kế hoạch mục tiêu đến năm 2020 đạt 12,5 triệu m2).

Tăng cường phát triển nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp

Về thị trường bất động sản, Thủ tướng cho rằng thị trường hiện bất động sản không có vấn đề gì lớn, nhưng phải chút ý khi nổ ra rất phức tạp, nên quản lý bất động sản phải rất chặt chẽ. Đặc biệt, phân khúc nhà ở xã hội cho người nghèo, cho công nhân chưa làm được tốt. Muốn làm nhà ở xã hội là phải có đất đai địa phương quản lý, có Khu công nghiệp cho nhà ở công nhân, bố trí nguồn lực thực hiện. Cố gắng bố trí thêm nguồn lực trung hạn và cơ chế. Đồng thời phải xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần có quy định cho việc đổ vật liệu ngổn ngang ở đường, đặc biệt phải có quy chế sửa chữa nhà trong đô thị, để tránh ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ môi trường sống của người dân.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu ngành Xây dựng tích cực chống tham nhũng, tiêu cực trong Ngành và khuyến khích mọi thành phần kinh tế phải tham gia phát triển ngành Xây dựng, phát triển tư nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem