Nhu cầu dầu thế giới sẽ nhảy vọt chưa từng có năm 2021
Đến sáng 16/6 (giờ Mỹ), giá dầu Brent chuẩn quốc tế giao dịch ở mức 39,97 USD/ thùng, tức tăng 0,6% trong khi giá dầu WTI nhích 0,3% lên 37,22 USD/ thùng.
Dù tăng mạnh so với mức đáy hồi tháng 4 nhưng tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã giảm tới 40% sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng loạt chính phủ trên toàn cầu thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly làm trì trệ nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải đóng băng đã gây nên cú sốc cầu chưa từng có trên thị trường năng lượng khi nhu cầu dầu tụt dốc không phanh.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, nhu cầu dầu trong quý II - quý chịu tác động mạnh nhất của các biện pháp hạn chế kiểm dịch Covid-19 - đã giảm mạnh 17,8 triệu thùng mỗi ngày so với mức bình quân cùng kỳ năm ngoái. Dù con số giảm thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích nhưng đây vẫn là mức giảm chưa từng có trong lịch sử mọi thời đại.
Trong báo cáo thị trường dầu được công bố mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến giảm 8,1 triệu thùng/ ngày trong năm 2020 trước khi tăng 5,7 triệu thùng/ ngày năm 2021.
“Điều này nghĩa là chúng ta sắp chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu dầu dự kiến lớn nhất trong lịch sử vào năm 2020. Đồng thời, dự báo gia tăng nhu cầu dầu năm 2021 khi nền kinh tế dần hồi phục trở lại sẽ là bước nhảy lớn nhất trong lịch sử hàng năm được ghi nhận.”
IEA cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu bình quân năm 2020 là 91,7 triệu thùng/ ngày, cao hơn gần 500.000 thùng/ ngày so với dự đoán hồi tháng 5 do các lô hàng tăng mạnh hơn dự báo khi các lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ.
“Cho đến nay, các sáng kiến thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ cũng như các cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng G20 đã đóng góp phần lớn trong việc khôi phục sự ổn định cho thị trường dầu mỏ… Nếu các xu hướng phục hồi gần đây trong nhu cầu và sản xuất được duy trì, thị trường sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm. Tuy vậy, chúng ta không nên đánh giá thấp những nguy cơ, bất ổn có khả năng phát sinh” - đại diện IEA cho hay.
IEA đồng thời cảnh báo ngành công nghiệp hàng không sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, và là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhu cầu dầu tiếp tục giảm đến năm 2021. Dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - hiệp hội thương mại đại diện cho 290 hãng hàng không và 82% lưu lượng hàng không toàn cầu mới đây dự báo lượng hành khách năm 2020 sẽ giảm mạnh 55% so với năm 2019.
Triển vọng thị trường dầu còn nhiều quan ngại
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và đồng minh (gọi tắt là OPEC+) hồi tháng này đã thống nhất kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ ngày đến hết tháng 7. Động thái này nhìn chung đã giúp thúc đẩy giá dầu tiếp tục tăng, dù thị trường vẫn còn lo ngại về nguy cơ một cú sốc cầu tiếp theo khi các ca nhiễm mới Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại trên toàn cầu.
Tính đến nay, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy hơn 8 triệu người dân bị nhiễm Covid-19 và hơn 436.899 ca tử vong trên toàn cầu liên quan đến cuộc khủng hoảng đại dịch.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/6 cảnh báo rằng phải mất đến 2 tháng, toàn cầu mới báo cáo 100.000 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Nhưng trong hai tuần qua, con số 100.000 ca nhiễm mới được báo cáo hầu như mỗi ngày.
Các trường hợp nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh ở Nam Á và Mỹ, trong khi Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới dù thành phố đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa hơn 50 ngày.