Những cải cách của chúa Trịnh Cương năm Tân Sửu cách đây 300 năm

Lê Tiên Long Thứ sáu, ngày 12/02/2021 14:32 PM (GMT+7)
Cách đây tròn 300 năm, cũng là một năm Tân Sửu, vào thời chúa Trịnh Cương trị vì, chính quyền vua Lê chúa Trịnh đã tiến hành một số cải cách lớn đối với chính trị trong nước.
Bình luận 0

Năm đó là năm 1721, vào thời trị vì của vua Lê Dụ Tông, nhưng quyền hành cả nước đang nằm trong tay chúa Trịnh là An Đô vương Trịnh Cương. Đây là vị chúa Trịnh duy cai quản Đàng Ngoài của đất nước trong thời thái bình thịnh trị không hề có nạn binh đao. Sử thần Phan Huy Chú đã phải khen rằng đó là thời mà: "Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi đầy đủ, các phương xa đến cống hiến và Trung Quốc trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh".

Những cải cách của chúa Trịnh Cương năm Tân Sửu cách đây 300 năm - Ảnh 1.

Chú Trịnh Cương trong buổi thiết triều cùng vua Lê.

Theo bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì ngay đầu năm Tân Sửu, 1721, trong tháng giêng, triều đình đã có một cải cách lớn về hình luật, theo hướng nhân văn, đó là bãi bỏ hình phạt chặt ngón tay.

Trước đó, luật hình của nhà Lê, được xây dựng từ thời Lê Thánh Tông, quy định trọng bộ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) có 5 hình danh, gồm: xuy (đánh bằng roi) trượng (đánh bằng gậy), đồ (bắt làm phục dịch việc nặng), lưu (đày đi xa) và tử (xử tử). Tuy nhiên đến thế kỷ 18, triều đình lại đặt thêm hình phạt chặt ngón tay, là một hình phạt quá nặng và tàn nhẫn.

Do đó, nhân dịp đầu xuân, triều đình hạ lệnh: Những phạm nhân bị luận vào tội chặt ngón tay rồi đày (lưu) đi một nơi, nay đều giảm xuống làm tội đồ cư tác (đày theo thời hạn đã định trong án văn và phải làm mọi việc nặng nhọc), niên hạn định theo tội phạm nặng hay nhẹ. Phạm nhân phải luận vào tội chặt hai tay và lưu đi châu xa, nay đổi làm tội đồ cư tác chung thân. Phạm nhân phải luận vào tội chặt một tay và lưu đi ngoại châu, nay đổi làm tội đồ cư tác 12 năm. Phạm nhân phải luận vào tội chặt 2 ngón tay và lưu đi cận châu, nay đổi làm tội đồ cư tác 6 năm. Những người phạm tội trộm, cướp thì không theo thể lệ này.

Về việc quân sự, trong năm con trâu này, triều đình cũng có thay đổi về quy chế học võ và thi võ. Sự thay đổi diễn ra vào mùa thu, tháng 8. Lúc ấy, nhân thái bình đã lâu, việc binh bị có phần biếng nhác. Triều đình bèn sắp xếp nơi học tập việc võ, đặt chức giáo thụ để dạy bảo. Các trường dạy võ này tuyển chọn con cháu công thần và con cháu bầy tôi vào học, để học tập chiến lược trong Võ Kinh và các môn võ nghệ.

Hàng tháng trường võ sẽ tổ chức thi tiểu tập, bốn tháng giữa mùa (các tháng 2, 5, 8, 11) thi đại tập; mùa xuân mùa thu tập môn võ nghệ, mùa đông, mùa hạ giảng bàn Võ Kinh. Viên giáo thụ đề cử người nào trúng tuyển sẽ được bổ dụng.

Nhân dịp này, triều đình cũng chuẩn định 3 năm một lần thi võ, phàm dân đinh ai có tài trí hơn người cũng được dự thi. Phép thi thì trước hết hỏi sơ lược về đại nghĩa trong sách Tôn tử, người nào thông hiểu nghĩa sách sẽ được vào thi khảo về võ nghệ, gồm ba môn thi là cưỡi ngựa múa đâu mâu; đấu kiếm, lăn khiên; múa siêu đao; kỳ chót sẽ thi về phương pháp mưu mẹo việc binh. Ai trúng cách sẽ được dẫn vào sân phủ chúa thi phúc hạch, rồi tùy tài cao thấp theo thứ tự bổ dụng.

Về tuyển chọn binh lính cũng có sự thay đổi. Chúa Trịnh Cương nhận thấy trước kia tuyển lính ở Thanh Nghệ cứ 3 suất đinh lấy một tên lính, nay hạ lệnh cho quan địa phương tra xét số hộ, số khẩu nơi nào tăng lên, nơi nào sút kém, chia ra từng hạng, khi tuyển lính đều được theo điển lệ khoan hồng, định lệ 5 suất đinh lấy một người lính. Những lính được dẫn tuyển phải kén người mạnh khỏe và là nhà vật lực. Dù sau đó, chúa Trịnh Cương đã bắt đầu cấp ruộng công cho lính tứ trấn (các trấn Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Đông, Sơn Nam) thay vì chỉ cấp cho lính Thanh Nghệ như trước, nhưng triều đình vẫn luôn coi lính hai xứ Thanh Nghệ coi như là nanh vuốt cật ruột của nhà chúa, được nhiều ưu đãi, dần sinh bụng kiêu căng, không thể nào ngăn cấm được, về sau gây ra nạn kiêu binh là từ lính ba phủ thuộc hai trấn này mà triều đình nhà hậu Lê tan rã.

Trịnh Cương cũng là vị chúa quyết tâm cải tổ chế độ thi cử đã suy vi thời bấy giờ. Năm trước đó, nhận thấy tệ gian lận trong trường thi chưa dứt, nên chúa đã phải hạ lệnh cho bầy tôi có văn học nghĩa soạn đầu bài thi ở trong phủ, rồi cho chạy trạm phân phát cho các trường để tránh việc lộ đề. Tuy nhiên hai trường thi Thanh Hóa, Nghệ An vì địa thế xa, nên vẫn theo chế độ cũ.

Về kinh tế, tài chính, trong năm Tân Sửu này, chúa Trịnh Cương cũng có những thay đổi trong chế độ thuế khóa. Khi bàn với các quan chấp chính về thuế khóa và lực dịch, chúa nói: "Ta thấy chế độ các đời trước thu lấy của cải của ở dân thường không giống nhau, nhưng chỉ có ba thứ thuế: tô, dung và điệu (là thuế ruộng, thuế thân và tiền miễn lao dich) là đúng hơn cả. Nay về tô ruộng và sổ đinh hương bàn luận để định cách thay đổi, thì về phần thuế điệu dịch cũng nên thương lượng để thi hành một thể. Ngoài ba thứ thuế ấy ra, những dao dịch khác và thuế khóa vụng vặt, nhất luật đều ngừng lại hoặc bớt đi. Đời cổ, định sự chi dùng trong nước, thì cân nhắc số thu vào để trù tính số thi chi ra, nhưng bây giờ nên trước hết tính số chi ra, rồi sau sẽ định số cho dân phải nộp. Các ông đều nên suy xét cho chín rồi trình bày từng đều mục, để theo thứ tự thi hành".

Cuối cùng, thay đổi tiếp theo của chúa Trịnh Cương là giảm bớt các quan trong hai ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn ngoài biên giới.

Đánh giá về việc trị nước của chúa Trịnh Cương, Phan Huy Chú đã viết: "Trong khi chúa giữ chính, chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính. Phàm việc binh, dân, tiền của, thuế khóa đặt ra rõ ràng đầy đủ".

Tuy nhiên đến cuối đời, chúa Trịnh Cương đã tiến hành việc phế thái tử Duy Tường rồi ép vua Lê Dụ Tông truyền ngôi cho hoàng tử thứ là Lê Duy Phường. Từ đó, triều đình loạn lạc. Sau khi Trịnh Cương qua đời, người con kế nhiệm của ông là Trịnh Giang lại phế Lê Duy Phường, lập lại hoàng tử Lê Duy Tường, tức là vua Lê Thuần Tông, năm 1732.

Mặc dù vậy, thời trị vì của chúa Trịnh Cương vẫn là thời thịnh trị nhất của triều Lê, mà chính sử của triều Nguyễn, đối thủ của các chúa Trịnh, cũng phải công nhận trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục rằng: "Vào thời Vĩnh Thịnh (tức thời vua Lê Dụ Tông), bốn phương vô sự, trong nước hơi yên; thế cũng là cuộc thịnh vượng trong một thời như đời vua Thiếu Khang nhà Hạ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem