Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc

Minh Huệ (thực hiện) Thứ năm, ngày 23/06/2022 05:46 AM (GMT+7)
"Lâm Thao đã có nhiều cải tổ mang tính đột phá, "làm mới" sản phẩm truyền thống, cấy thành phần vi sinh vật vào phân bón. Đó là phân lân vi sinh và NPK vi sinh – 2 sản phẩm vô cùng độc đáo của Lâm Thao, chưa đơn vị nào có được" - ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Supe Lâm Thao cho biết.
Bình luận 0

Những cái "nhất" của Supe Lâm Thao – "đại gia" phân bón miền Bắc

Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao (Phú Thọ) cho biết, những ngày này, toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động công ty đang tất bật các hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Công ty bước vào sản xuất (24/6/1962-24/6/2022), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm công ty (19/8/1962 - 19/8/2022).

Trong suốt 2 năm qua, ngành phân bón trong nước cũng như Supe Lâm Thao gặp vô vàn khó khăn vì bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraine... Chính vì thế, việc tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày công ty bước vào sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, là niềm vinh dự và nguồn động viên to lớn đối với toàn thể cán bộ, người lao động của Supe Lâm Thao.  

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 3.

Công nhân Xí nghiệp NPK3 đang thực hiện đóng gói phân bón. Ảnh: Minh Huệ

Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những khó khăn, thách thức Supe Lâm Thao phải đối mặt thời gian qua?

- Trước đó, Supe Lâm Thao vẫn đang phải nhập khẩu một số loại nguyên liệu mà trong nước chưa chủ động được, như Kali, SA. Hiện nay đang phải nhập từ Lào, Belarus, Ukraine, Canada…, nhưng do đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics bị tắc nghẽn bởi dịch Covid và xung đột Nga – Ukraine nên giá kali, SA tăng rất cao, gấp 2-3 lần so với cách đây hơn 1 năm. Nhiều khi SA không có hàng mà nhập.

Đối với Ure cũng vậy, giá tăng lên gấp 2-3 lần; rồi mặt hàng lưu huỳnh phục vụ sản xuất supe lân, axit cũng tăng lên 5-6 lần. Đó đều là những nguyên liệu chính phục vụ sản xuất phân bón của chúng tôi, nên khi giá nguyên liệu tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá thành phân bón.

Điều đó kéo theo giá phân bón đang tăng so với năm ngoái, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 2.

Xe tải vận chuyển phân bón đi tiêu thụ tại khu vực kho của Xí nghiệp NPK3. Ảnh: Ngọc Hải

Thứ 2, sản xuất phân bón trong nước hiện đang có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt về giá, do tình trạng phân bón giả, nhái vẫn đang len lỏi khắp làng quê. 

Do phân bón giả, nhái, nên đương nhiên giá cũng thấp hơn rất nhiều hàng chính hãng, đánh vào tâm lý ham rẻ của bà con nông dân. Hậu quả là phân bón giả, nhái lộng hành không chỉ gây thiệt hại tới sản xuất của bà con mà còn khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng.

Thứ 3, do giá nhiều loại nông sản bán ra ở mức thấp suốt thời gian dài, khiến nhiều hộ giảm đầu tư cho cây trồng, giảm lượng phân bón sử dụng. Nhiều nơi bà con còn bỏ ruộng, hoặc chỉ đầu tư một phần.

Thực tế đó khiến tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón đều bị tụt giảm doanh thu từ 15-20%.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 2.

Công nhân xưởng NPK3 vận hành băng chuyền đưa phân bón lên xe tải để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Ngọc Hải

Trước những thách thức trở ngại đó, ban lãnh đạo Supe Lâm Thao đã ứng phó như thế nào?

- Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực duy trì sản xuất. Với lịch sử 60 năm phát triển, Supe Lâm Thao có vai trò quan trọng đối với ngành phân bón trong nước. Nhận thức được điều đó nên trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng cố gắng duy trì sản xuất ổn định để kịp thời cung ứng phân bón cho thị trường, với giá thành tốt nhất, chất lượng luôn đảm bảo.

60 năm qua, Công ty Lâm Thao luôn giữ vững truyền thống chăm sóc tốt nhất cho người lao động. Ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp nhất, chúng tôi đã nhanh chóng áp dụng biện pháp "4 tại chỗ", nhiều người lao động phải ăn ngủ trong công ty suốt hơn 20 ngày. 

Kết quả là nhà máy duy trì sản xuất hợp lý, người lao động có công ăn việc làm, nhất là nông dân không bị thiếu phân bón. 

Trước bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao thời gian qua, chúng tôi đã tìm cách mua lô hàng lớn để giá thành giảm xuống ở mức thấp nhất, tăng khả năng cạnh tranh. 

Cùng với đó là tìm cách giảm tất cả các loại chi phí có thể như mua nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, tài chính, bán hàng…

Và khi thị trường phân bón vẫn đang cạnh tranh khốc liệt, Supe Lâm Thao đã suy nghĩ tìm tòi, đưa ra các chiến lược đổi mới sản phẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống, chúng tôi đã tung ra thị trường NPK hàm lượng cao. Hay như trước đây, Lâm Thao chỉ tập trung sản xuất phân bón vô cơ, thì giờ đây có cả sản phẩm phân bón hữu cơ.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 5.

Supe Lâm Thao liên tục đổi mới thiết bị, máy móc hiện đại, nhờ đó nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.

Ông đánh giá thế nào về những sản phẩm phân bón mới, nhất là khi phân bón hữu cơ của Lâm Thao ra đời muộn hơn so với thị trường?

- Tôi cho rằng việc cung cấp đầy đủ, đa dạng các mặt hàng phân bón, sẽ giúp người nông dân dễ dàng lựa chọn.

Bên cạnh đó, Lâm Thao đã có nhiều cải tổ mang tính đột phá, đó là "làm mới" sản phẩm truyền thống, cấy thành phần vi sinh vật vào phân bón, đem lại tác dụng tốt hơn cho môi trường và cây trồng. Đó là phân lân vi sinh và NPK vi sinh – 2 sản phẩm vô cùng độc đáo của Lâm Thao, chưa đơn vị nào có được.

Các sản phẩm này đang được bà con nông dân đón nhận rất tốt, giúp nâng cao uy tín của Lâm Thao. Hi vọng thời gian tới, những sản phẩm này sẽ trở thành "cứu cánh", tạo ra giá trị đặc biệt, giúp Lâm Thao nâng cao sản lượng sản xuất cũng như bán hàng. 

Chứ nếu cứ trông chờ vào sản phẩm cũ, truyền thống thì chỉ có mai một dần mà thôi.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 5.

Supe Lâm Thao đã áp dụng dán tem thông minh QR code vào toàn bộ sản phẩm phân bón. Ảnh: Minh Huệ

Nâng tầm quy trình quản lý bằng tem thông minh QR code 

Được biết, Supe Lâm Thao cũng là doanh nghiệp phân bón đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này áp dụng dán tem thông minh lên sản phẩm? 

-Đúng thế, đó là một thành công nữa của chúng tôi. Supe Lâm Thao đã nâng tầm quy trình quản lí bằng cách dán tem thông minh QR code vào toàn bộ sản phẩm. Có thể khẳng định đây là một bước đi đột phá, đổi mới mạnh mẽ của Lâm Thao mà chưa có doanh nghiệp phân bón trong nước nào làm được. 

Mặc dù rất khó khăn như đã nói, song chúng tôi vẫn hạ quyết tâm phải làm bằng được. Và thực tế sau 2 năm ra mắt trên thị trường, việc dán tem QR code giúp chúng tôi quản lý sản phẩm rất tốt. Chúng tôi có thể theo dõi đến cùng sản phẩm mình làm ra, qua đó góp phần chống hàng giả hàng nhái hiệu quả.

Từ việc dán tem QR code thành công, Supe Lâm Thao tiếp tục đổi mới công tác quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý sản phẩm từ trong nhà máy tới thị trường nên các hệ thống bán hàng cũng như người tiêu dùng phản hồi tốt.

Trong thời buổi công nghệ 4.0, không muốn mình bị lạc hậu thì buộc phải áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh cũng như quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, giảm lao động làm việc nặng nhọc, chân tay. Nếu như trước đây, tổng số cán bộ công nhân viên của Lâm Thao lên tới 3.000-4.000 người thì giờ đây, đưa máy móc vào, số cán bộ công nhân giảm còn hơn 2.000 người thôi.

Việc đầu tư, đổi mới công nghệ tốn kém rất nhiều chi phí, nhưng chúng tôi đã xác định, muốn phát triển bền vững thì phải đầu tư. Đó là chiến lược lâu dài mà đơn vị nào cũng phải làm, không trước thì sau.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 4.

Supe Lâm Thao là một trong số ít doanh nghiệp phân bón duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid, nhờ đó, đời sống và thu nhập của người lao động được đảm bảo. Ảnh: Minh Huệ

Ông có thể cho biết, thu nhập bình quân của người lao động tại Supe Lâm Thao hiện nay là bao nhiêu? 

- Với bề dày truyền thống 60 năm qua, tập thể lãnh đạo Supe Lâm Thao luôn nỗ lực, cố gắng duy trì sản xuất phân bón ổn định, kinh doanh có hiệu quả cao để đảm bảo thu nhập cho người lao động, thậm chí là ngày càng tăng lên. Mấy năm trước, thu nhập bình quân của người lao động chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng, thì năm 2021 tăng lên gần 9 triệu đồng/người/tháng.

Vừa qua dịch Covid-19 phức tạp như thế, thiệt hại kinh tế rất lớn song công ty không để ai phải nghỉ việc.

Năm 2022, Lâm Thao đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ khoảng 690.000 tấn phân bón, dự kiến thu nhập của người lao động sẽ tăng lên 10 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, Supe Lâm Thao còn duy trì chăm sóc sức khỏe, đời sống người lao động bằng nhiều hình thức khác như cung cấp bữa ăn giữa ca, đảm bảo điều kiện ăn uống sạch sẽ, đủ chất dinh dưỡng; tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao; liên kết với các bệnh viện lớn tổ chức khám chữa bệnh định kì cho người lao động, giúp người lao động yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 8.

Công nhân làm việc tại Supe Lâm Thao được doanh nghiệp hỗ trợ nơi ở, mỗi phòng có diện tích khoảng 20m2. Trong ảnh là phòng ở của công nhân Xí nghiệp NPK3 đang sinh sống cùng chồng và 2 con. Ảnh: Ngọc Hải

Những khó khăn, thách thức như ông nói ở trên chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến thị trường phân bón. Ông có nhận định thế nào về thị trường phân bón sắp tới?

- Để đưa ra nhận định chính xác rất khó, vì những năm gần đây thị trường ngày càng có nhiều yếu tố biến động khó lường. Kể cả các chuyên gia cũng khó đánh giá đầy đủ được.

Tuy nhiên, qua thực tế chúng tôi nhận định, thị trường phân bón sẽ tiếp tục có những biến động. Giá phân bón chắc chắn sẽ vẫn neo ở mức cao do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, nhiều chi phí khác đều tăng cao theo giá xăng dầu. Có những nguyên liệu, máy móc kể cả có tiền cũng khó mua được.

Hi vọng tình hình xung đột giữa Nga – Ukraine, dịch vụ logistics được tháo gỡ thì giá phân bón cũng như nhiều mặt hàng khác mới có thể kéo giảm, hạ nhiệt được.

Vì có nhiều yếu tố khách quan tác động nên công tác dự tính, dự báo thị trường phân bón của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, nhìn chung kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều bị giảm 15-20%.

Những cái “nhất” của Supe Lâm Thao – “đại gia” phân bón có lịch sử lâu đời nhất miền Bắc - Ảnh 9.

Công nhân Xí nghiệp NPK3 trong giờ nghỉ giữa ca. Mùa đông, công nhân được "tiếp sức" bằng sữa đậu nành, mùa hè nắng nóng là nước chanh đường... Ảnh: Minh Huệ

Vậy để đứng vững và tiếp tục ghi dấu ấn trong ngành phân bón, Supe Lâm Thao đề ra những giải pháp gì cụ thể, thưa ông?

Supe Lâm Thao xác định là doanh nghiệp phân bón lớn của cả nước, với trách nhiệm của mình, chúng tôi cố gắng duy trì sản xuất ổn định bằng mọi cách. Ví dụ mua tích trữ nguyên liệu để máy móc hoạt động xuyên suốt 12/12 tháng; nâng cao chất lượng sản phẩm để đứng vững trên thị trường.

Đặc biệt là áp dụng công nghệ, đổi mới khoa học kỹ thuật, tiếp tục tìm cách hạ giá thành phân bón nhằm chia sẻ với bà con nông dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Supe Lâm Thao cũng mới đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hàm lượng cao với công suất 150.000 tấn, tỷ suất đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Hiện dây chuyền đã hoạt động được hơn 1 năm, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng phân bón NPK lâm Thao, giúp cây trồng dễ hấp thụ, giảm công chăm bón, tăng năng suất… 

Những loại phân bón này rất phù hợp đầu tư cho những cây trồng có giá trị cao nên làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Vừa rồi chúng tôi đã có nhiều sản phẩm mới được bà con đón nhận. Thời gian tới, Supe Lâm Thao sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm mới khác để đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như phục vụ sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp của đất nước. Nhất là để khi ra cửa hàng mua phân bón, bà con dễ dàng lựa chọn mua phân bón Lâm Thao mà không phải đắn đo suy nghĩ. 

Xin cảm ơn ông! 

Supe Lâm Thao cho nông dân trả chậm tiền phân bón, trị giá hàng trăm tỷ đồng

Ông Vũ Xuân Hồng cho biết: Hiểu được bà con nông dân thường xuyên thiếu vốn, thiếu kiến thức trong sản xuất nên chúng tôi đã bắt tay với Hội Nông dân các tỉnh và hệ thống đại lý triển khai chương trình mua phân bón chậm. Theo đó, nông dân mua phân bón có thể trả chậm cả 2 vụ, với thời gian ít nhất là 6 táng, nhiều là 9 tháng. Mỗi năm giá trị mua phân bón chậm trả lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục duy trì, phối hợp với các đơn vị, ngành nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tư vấn, tập huấn, xây dựng các mô hình hội thảo đầu bờ để giúp bà con biết cách phân biệt phân bón giả, nhái; nâng cao kiến thức sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem