Những cảm xúc vỡ òa trong ngày kỷ niệm vụ khủng bố 11/9

Chủ nhật, ngày 12/09/2021 10:19 AM (GMT+7)
Thân nhân của những người thiệt mạng trong sự kiện ngày 11/9 đã chia sẻ cảm xúc về các nạn nhân, đánh dấu cột mốc 20 năm sau vụ khủng bố đẫm máu nhất nước Mỹ.
Bình luận 0
Những cảm xúc vỡ òa trong ngày kỷ niệm vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 1.

Vụ khủng bố kinh hoàng đã khiến cả nước Mỹ chìm trong đau buồn suốt một thời gian dài. Ảnh: Getty

Nhiều người không kìm được nước mắt tại buổi lễ được tổ chức tại Ground Zero, địa điểm Tòa tháp đôi bị phá hủy trong các cuộc tấn công của nhóm khủng bố.

"Hai mươi năm là khoảng thời gian rất dài, nhưng cảm giác vẫn như mới hôm qua", Lisa Reina, người góa phụ có chồng hy sinh trong vụ khủng bố, bật khóc.

Một phút im lặng bắt đầu vào thời điểm chính xác khi mỗi chiếc máy bay rơi.

George W Bush, tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, đã có một bài phát biểu tại Pennsylvania, nơi một trong bốn chiếc máy bay lao xuống cánh đồng sau khi hành khách chế ngự thành công những kẻ không tặc.

Ông nói: "Thế giới này từng rất hạnh phúc với sự có mặt của các bạn, tuy nhiên giờ đây lại yên lặng đến đáng sợ với những giọng nói sẽ không bao giờ còn được nghe thấy nữa".

"Thật khó để mô tả cảm giác rối bời mà chúng ta đang trải qua."

Đài tưởng niệm chính thức ở New York bắt đầu bằng một phút im lặng lúc 08:46 (12:46 GMT) - thời điểm chính xác chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới năm 2001.

Cả buổi sáng, hoa hồng tiếp tục được đặt bên cạnh tên của 2.977 nạn nhân ở đài tưởng niệm Ground Zero.

Buổi lễ tiếp tục diễn ra trong đêm, khi hai chùm ánh sáng chiếu vào bầu trời suốt bốn dặm (6,4 km).

Những cảm xúc vỡ òa trong ngày kỷ niệm vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 2.

Hai người phụ nữ gặp nhau trong buổi lễ Ground Zero phát hiện ra rằng những người thân đã mất trong chuyến bay của họ cũng biết nhau. Ảnh: Getty

"Hẹn gặp lại"

Với hàng nghìn cái tên phải đọc, danh sách này mất hàng giờ để hoàn thành.

Mike Low, có con gái là tiếp viên hàng không trên chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, đã bắt đầu. Ông cảm ơn những người đã giúp gia đình ông vượt qua "chuỗi ngày đen tối nhất trong cuộc đời".

Ông Low nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng của New York sau hậu quả của vụ tấn công, đồng thời bày tỏ nguyện vọng rằng ngày 11/9 nên được ghi nhớ "không phải là những con số hay ngày tháng, mà là khuôn mặt của những con người bình thường".

Lisa Reina đang mang thai gần 8 tháng khi chồng cô là Joseph bị giết.

Cố kìm nước mắt, cô nói: "Con trai của chúng ta giống hệt anh đấy!... Hãy tiếp tục dõi theo mọi người nhé. Hẹn đến khi chúng ta gặp lại nhau, tình yêu của em!"

Một thế hệ những người thân đã được sinh ra kể từ khi các vụ tấn công xảy ra, và một số đã lên sân khấu để chia sẻ về cảm xúc của mình.

Các đời Tổng thống Mỹ

Tại lễ tưởng niệm ở New York, Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden xuất hiện, bên cạnh đó có sự tham gia của các cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, cũng như các cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và Michelle Obama.

Ông Biden đã đến cả ba địa điểm bị tấn công vào ngày 11/9 - New York, Pennsylvania và Virginia.

Trong một đoạn video được phát hành vào đêm trước ngày kỷ niệm, ông đã bày tỏ lòng kính trọng đối với các nạn nhân.

"Dù thời gian đã trôi qua bao lâu, những kỷ niệm này khiến mọi thứ đau đớn trở lại như thể bạn vừa nhận được tin tức chỉ cách đây vài giây", ông nói.

Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu tại Shanksville, Pennsylvania sau George W Bush.

"Chúng ta phải thử thách bản thân để nhìn lại, để nhớ, vì lợi ích của con cái chúng ta… và vì lý do đó, chúng ta cũng phải hướng về phía trước," bà nói.

Nhiều ý kiến cho rằng những kẻ không tặc cướp chiếc máy bay lao xuống cánh đồng Shanksville vốn định tấn công Tòa nhà Capitol ở Washington DC, nhưng hành khách và phi hành đoàn đã chống trả quyết liệt. Tại buổi lễ đặt vòng hoa, ông Biden nói rằng họ là "những người anh hùng".

Những cảm xúc vỡ òa trong ngày kỷ niệm vụ khủng bố 11/9 - Ảnh 4.

Cả thế giới đều vô cùng tiếc thương cho những sự kiện đã xảy ra. Ảnh: Getty

Các buổi lễ khác bao gồm một buổi cầu nguyện tại bức tường tưởng niệm của Sở Cứu hỏa New York - một bức tường bằng đồng cao 17m tôn vinh 343 lính cứu hỏa đã hy sinh trong ngày xảy ra vụ tấn công.

Tổng cộng, 441 người trong lực lượng cứu hộ đã thiệt mạng, thiệt hại về nhân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tại Lầu Năm Góc bên ngoài Washington, một buổi lễ bình minh được tổ chức.

Bên cạnh đó, một nhà tưởng niệm được đặt tại vị trí đánh dấu nơi chuyến bay 77 của American Airlines đâm vào tòa nhà quốc phòng của Mỹ.

Lê Phương (BBC )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem