Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 14/09/2022 14:47 PM (GMT+7)
Do vướng mắc mặt bằng chưa được giải tỏa nhiều năm qua 4 cây cầu ở TP.HCM bị chậm tiến độ: Nam Lý, Tăng Long, Phước Long và Tân Kỳ - Tân Quý.
Bình luận 0

Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt tại cầu Nam Lý (đường Đỗ Xuân Hợp, TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngày 14/9 giao thông nơi đây hỗn loạn, đường sá chật hẹp khó di chuyển. Bởi nhiều năm qua dự án xây dựng cầu Nam Lý bị trì trệ tiến độ xây dựng do vướng mắc mặt bằng chưa giải tỏa được.

Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh 1.

Hiện trạng cầu Nam Lý (đường Đỗ Xuân Hợp, TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhìn từ trên cao. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo tìm hiểu, dự án cầu Nam Lý với vốn đầu tư 857 tỷ đồng khởi công năm 2016 nhằm thay cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp. Cầu được xây dựng dài 450m, rộng 20m và đường dẫn dài 300m, rộng 30-37m.

Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh 2.

Hiện trạng cầu Nam Lý sau nhiều năm "đắp chiếu" không thi công được do vướng mắc mặt bằng. Ảnh: Chinh Hoàng

Dự án này dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đến năm 2019 mới đạt khoảng 39% khối lượng và ngưng thi công từ đó đến nay để chờ giải phóng mặt bằng. Hiện trạng cầu Nam Lý là những khối bê tông đứt quãng cỏ dại mọc um tùm.

Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh 3.

Giao thông trên đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn cầu Nam Lý) hỗn loạn do đường sá chật hẹp, xung quanh cây cầu cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Chinh Hoàng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Ngô Văn Sự (đại diện đơn vị thi công cầu Nam Lý) cho biết: Lý do nhiều năm qua không thể tiếp tục thi công cây cầu này do vướng mặt bằng chưa giải tỏa được dẫn đến việc thi công bị trì trệ ảnh hưởng đến giao thông xung quanh đường Đỗ Xuân Hợp.

Theo ông Sự, việc trì trệ thi công không chỉ ảnh hưởng đến những người dân sống xung quanh khu vực đường Đỗ Xuân Hợp mà còn ảnh hưởng đến tình trạng giao thông ở đây.

"Theo dự kiến cuối năm 2022, đơn vị sẽ tái thi công cầu Nam Lý, chúng tôi rất mong muốn việc giải tỏa mặt bằng nơi đây được tiến hành nhanh. Việc tiến độ thi công bị chậm nhiều năm qua, đơn vị thi công chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không ít", ông Sự thổ lộ.

Khó ngủ được vì ồn ào, nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông

Cách cầu Nam Lý khoảng 4km, cầu Tăng Long (bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức) cũng là một trong những dự án "đắp chiếu" nhiều năm nay. Ghi nhận của phóng viên, nơi đây giao thông hỗn loạn, cỏ dại um tùm. Tại một bên cầu Tăng Long là cây cầu sắt cũ – đường đi tạm thời cho người dân hàng ngày có hàng trăm lượt xe cộ qua lại gây nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân.

Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh 5.

Hiện trạng cầu Tăng Long (bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai, TP.Thủ Đức) nhìn từ trên cao. Ảnh: Chinh Hoàng

Cũng theo ghi nhận trên đường Lã Xuân Oai (đoạn cầu Tăng Long) quá chật hẹp bởi do vướng mắc mặt bằng, nguy cơ tai nạn giao thông cao một phần do đường xuống cấp. Dự án cầu Tăng Long khởi công năm 2017, thay thế cho cầu cũ cạnh đó đã xuống cấp. Cầu dài 680m, trong đó phần cầu dài 231m chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh 11m và lề đi bộ.

Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh 6.

Xung quanh khu vực cầu Tân Long là những bụi cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Chinh Hoàng

Kế hoạch hoàn thành cầu Tăng Long năm 2019 nhưng cầu mới đạt hơn 30% khối lượng rồi "đắp chiếu" suốt 3 năm qua. Do phát sinh chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng (tăng 238 tỷ đồng). Cụ thể, chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ 99,5 tỷ đồng lên 337,7 tỷ đồng.

Những cây cầu chậm tiến độ ở TP.HCM: Giao thông hỗn loạn, cỏ dại mọc um tùm - Ảnh 7.

Một bên cầu Tăng Long là cây cầu sắt tạm, hàng ngày có hàng trăm lượt xe qua lại gây nhiều tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực này. Ảnh: Chinh Hoàng

Anh Nguyễn Hữu Nam (người dân, buôn bán gần cầu Tăng Long) chia sẻ: Nơi đây cao điểm giờ chiều thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông do đoạn gần cầu Tăng Long quá hẹp. Đêm đến những xe tải trọng lượng lớn đi qua cây cầu sắt tạm gây nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ người già và trẻ em.

Đây chính là nguyên nhân khó ngủ của người dân sống gần cầu Tăng Long. Clip: Chinh Hoàng

"Với tôi nhiều năm trở lại đây chuyện này đã quá bình thường. Tuy nhiên, đa phần người già và trẻ em đều khó ngủ do ồn ào từ cây cầu sắt một bên cầu Tăng Long", anh Nam bộc bạch.

Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - chủ đầu tư), cho biết đang cùng chính quyền địa phương nỗ lực để khởi động lại 2 dự án này theo yêu cầu của lãnh đạo TPHCM.

Đại diện UBND TP.Thủ Đức thông tin, dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng 2 cây cầu nêu trên vào tháng 12/2022. Nếu có mặt bằng, cầu Nam Lý sẽ được xây dựng hoàn thành sau 12 tháng và cầu Tăng Long sẽ hoàn thành sau 15 tháng.

Ngoài ra cũng tại TP.HCM còn có dự án xây dựng cầu Phước Long bắc qua rạch Phú Xuân nối quận 7 và huyện Nhà Bè, trên đường Phạm Hữu Lầu cũng nằm trong danh sách các cây cầu dang dở nhiều năm ở TPHCM.

Công trình dài 380m, tổng vốn đầu tư gần 398 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, đến tháng 2/2020 dự án mới khởi công và thi công xong một số trụ cầu thì tạm ngừng do chưa được bàn giao đủ mặt bằng.

Dự án chậm triển khai nên "đội vốn" lên 748 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ 166 tỷ đồng lên 515 tỷ đồng.

Huyện Nhà Bè cam kết bàn giao mặt bằng trong năm 2023, còn quận 7 hứa bàn giao trong quý 4/2022 để chủ đầu tư khởi động lại dự án cầu Phước Long.

Một dự án cũng trì trệ nhiều năm là cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) khởi công đầu năm 2018 theo hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian thi công, chờ thu phí hoàn vốn. Cầu dài hơn 80m cùng đoạn đường dẫn 225m được xây dựng nhằm thay cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, thời điểm công trình dự tính hoàn thành nhưng mới đạt 70% khối lượng rồi "trùm mền" đến nay. Nguyên nhân do dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm BOT trên đường hiện hữu).

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đề xuất chi khoảng 492 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố để khởi động lại dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, bao gồm chi phí thanh toán cho nhà đầu tư đã thực hiện và chi phí đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Nếu được thông qua, trong năm nay, dự án sẽ được lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thanh toán chi phí thực hiện cho nhà đầu tư. Dự án sẽ được giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục còn lại trong hai năm tới để khai thác vào năm 2025.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem