Những cây xăng “vua”

Thứ tư, ngày 16/02/2011 12:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không đủ điều kiện để cấp phép, nằm sai vị trí đăng ký kinh doanh, thậm chí nằm sát đường biên giới, nhưng nhiều cây xăng vẫn "hiên ngang" đứng vững. Những cây xăng này được coi là "vua" bởi có thể hoạt động ngoài khuôn khổ mà pháp luật quy định…
Bình luận 0

"Vua xăng" Đồng Tháp Mười

Ở Long An, hệ thống xăng dầu Nhật Linh được coi là lớn nhất cả về quy mô, số lượng "vệ tinh" và mức độ tiêu thụ xăng dầu ra thị trường.

img
Một điểm tập kết xăng dầu ở thị trấn Vĩnh Hưng (Long An).

Các trạm xăng dầu của khu vực biên giới Long An phần lớn nằm trong "tổng đại lý" Nhật Linh. Dù nhiều trạm xăng của doanh nghiệp này không đủ tiêu chuẩn cấp phép, thậm chí nằm sát đường biên buộc phải di dời nhưng suốt nhiều năm vẫn hoạt động ngày càng rầm rộ mà không hề gặp trở ngại nào.

Theo điều tra của NTNN, các trạm xăng dầu thuộc hệ thống Nhật Linh (gồm Nhật Linh, Nhật Linh 1, Nhật Linh 2, Trường An Khang Tân Hưng, Trường An Khang Vĩnh Hưng, Hoàng Minh…) đều thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Minh Hạ, trước là Giám đốc Sở Thương mại, hiện đang là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ông Hạ không đứng tên trạm xăng nào mà để bà Phạm Thị Bé - vợ ông đứng tên chủ DN, có trạm thì em dâu là bà Nguyễn Thị Ngon đứng tên.

Trong những ngày qua, khi giá xăng dầu bên Campuchia đang sốt từng ngày thì sức bán của những trạm xăng của Nhật Linh cũng tăng đến chóng mặt. Theo ghi nhận của NTNN, các cửa hàng xăng khác chủ yếu bán cho các đối tượng buôn lậu sử dụng xe gắn máy, số lượng khoảng 4 can/lượt thì cây xăng Nhật Linh lại bơm xăng cho các đối tượng vận chuyển bằng xe máy cày, xe ba gác với số lượng 25 - 30 can loại 30 lít/lượt chở.

Trong sáng 11-2, từ một căn nhà ở ấp Thái Quang (xã biên giới Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng), chúng tôi phát hiện phía sau có cả một kho tập kết xăng dầu. Từ căn nhà này, xe ba gác chở chừng 25 can không, loại 30 lít phóng về hướng thị trấn Vĩnh Hưng. Khi đến cây xăng Nhật Linh, tài xế tấp xe vào phía trong các trụ bơm. Tại đây, nhân viên trạm xăng và tài xế, mỗi người một vòi bơm xăng đầy các can. Tiếp tục bám theo xe này, chúng tôi phát hiện chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã có 3 chuyến hàng từ Nhật Linh tập kết về căn nhà trên, tổng lượng xăng dầu của 3 chuyến là hơn 2 ngàn lít!

Theo một cán bộ công an kinh tế huyện Vĩnh Hưng, đơn vị này thường xuyên đi kiểm tra các "kho" xăng dầu nằm sát biên giới, vận động nhắc nhở cũng có, thậm chí lập biên bản xử lý cũng có, nhưng vẫn không chặn được tình trạng xuất lậu xăng dầu. Không chỉ Nhật Linh có "kho" xăng dầu mà cả cây xăng Trường An Khang, Hoàng Doanh và Duy Khánh cũng bị phát hiện lập "kho" ngay sát mép sông Cái Cỏ. Chỉ cần đẩy xuồng qua bên kia sông (sông rộng chừng 15m) là thuộc địa phận Campuchia!

Lập cây xăng "dã chiến"

Trao đổi với NTNN, ông Trần Văn Quốc - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (phụ trách 3 huyện biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa) cho biết, vụ lúa đông xuân đang chuẩn bị thu hoạch, nông dân ít sử dụng xăng dầu bơm nước. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của QLTT cho thấy nhiều cây xăng tiêu thụ xăng dầu tăng cao bất thường, chủ yếu là xuất lậu sang Campuchia. Ông Quốc cho biết, đơn vị này đang tăng cường siết chặt quản lý xăng dầu nhưng làm không xuể.

Nhiều cây xăng sát biên giới mấy ngày qua xăng bán "đồng giá" 17.500 đồng/lít (giá thị trường là 16.500 đồng/lít), nhưng người dân vẫn phải bấm bụng để mua vì "khan hiếm" xăng.

Trong vai nông dân đi mua xăng bơm nước, chúng tôi tới cây xăng Tư Buol hỏi mua 20 lít. Tại đây chúng tôi phát hiện, dù giấy phép chỉ được bán đường thủy (vị trí ở ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng) nhưng doanh nghiệp vẫn kéo ống lập thêm 2 điểm bán trên bờ. Phía ngoài đường nhân viên trạm xăng để mấy phuy xăng, một số can loại lớn và bán bằng cách… cân. Sát khu chợ Hưng Điền B, doanh nghiệp bố trí hẳn trụ xăng điện tử để bán.

Thấy đồng hồ điện tử chỉ đơn giá xăng là 17.500 đồng/lít, một đồng nghiệp của chúng tôi nhanh tay rút máy ảnh ra chụp. Tuy nhiên, người của cây xăng nhanh tay hơn khi chỉ bằng một cái ấn tay, 3 dãy số điện tử trên trụ bơm đồng loạt chuyển về số 0! Một lãnh đạo UBND huyện Tân Hưng cho biết, nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện doanh nghiệp lập điểm bán sai vị trí(?).

Theo quy định, diện tích tối thiểu để xây dựng cây xăng cấp 1 là 3.000m2, cấp 2 là 2.000m2 và thấp nhất là 1.000m2 cho cây xăng cấp 3. Thế nhưng, nhiều trạm xăng thuộc hệ thống Nhật Linh vẫn được cấp phép dù diện tích không đủ chuẩn.

Cụ thể, trạm xăng Nhật Linh 1 ở ngã ba ấp Long Khốt, xã Vĩnh Bình, Vĩnh Hưng chỉ rộng 510m2. Thậm chí, trụ sở chính của Nhật Linh tại số 1A đường 831, thị trấn Vĩnh Hưng dù có tới 12 bồn xăng và 4 trụ bơm nhưng diện tích xây dựng cũng chỉ khoảng... 300m2.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Vĩnh Hưng có 45km giáp Campuchia nhưng có đến 18 trạm xăng thuộc loại "hoành tráng" nằm sát biên giới. Theo một cán bộ phòng nông nghiệp, với vài chục hecta đất lúa dọc biên giới Vĩnh Hưng, con số 18 trạm là quá nhiều.

-----------------

>> Bài 3: Cận cảnh xuất lậu xăng dầu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem