Những chính sách lao động tiền lương, bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 2021

Hà My Thứ năm, ngày 31/12/2020 15:53 PM (GMT+7)
Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều chính sách nổi bật trong lĩnh vực lao động - tiền lương, BHXH, BHYT.
Bình luận 0

Bổ sung hai trường hợp nghỉ nguyên lương 

Theo Bộ luật Lao động sửa đổi, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp như: Kết hôn (nghỉ 3 ngày); con đẻ, con nuôi kết hôn (nghỉ 1 ngày); cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi; cha/ mẹ đẻ, cha/ mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết (nghỉ 3 ngày).

So với luật cũ, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung thêm 2 trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương, cụ thể là trường hợp bố nuôi chết và mẹ nuôi chết.

anh%201-1609403544381

Ảnh minh họa (nguồn: IT).

Cấm ép người lao động mua hàng hóa công ty

Theo đó, Bộ luật Lao động sửa đổi quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. Đặc biệt, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động

Theo luật sửa đổi, sẽ chỉ còn 2 loại hợp đồng đó là hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ngoài ra người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do. Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.

Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương. Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng.

Tăng tuổi nghỉ hưu

Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ sẽ được quy định như sau:

Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.

dd-1609403561538

Quy định tỷ lệ hưởng lương hưu thay đổi

- Đối với nam:

+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%);

+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 1-1-2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.

- Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.

Tăng tuổi nghỉ hưu

Điều 169 Bộ luật Lao động sửa đổi đề cập đến quy định tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

tang-tuoi-nghi-huu-1609403320218

Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động.

Mở rộng nhiều hình thức thưởng người lao động, không chỉ bằng tiền

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật năm 2012. Theo điều 103 của luật, khái niệm thưởng cho người lao động được mở rộng, có thể là tiền, tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động được phép thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.

Tăng thời giờ làm thêm theo tháng lên 40 giờ

Bộ luật Lao động sửa đổi vẫn giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật năm 2012, đồng thời, không tăng thời giờ làm thêm trong năm.

Điểm mới của Bộ luật sửa đổi nằm ở thời gian làm thêm giờ. Theo đó, số giờ làm thêm trong tháng tăng lên 40 giờ thay vì 30 giờ như trước đây.

Bộ luật cũng quy định cụ thể hơn các trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/năm như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản; cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước…

"Thông tuyến tỉnh" khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT từ 1/1/2021

Theo theo khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014, từ năm 2021, người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến với tỷ lệ như sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú;

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (hiện nay chỉ được thanh toán là 60%);

- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, từ ngày 01/01/2021, người dân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến. Đồng nghĩa với đó, người bệnh có thể điều trị nội trú ở bất kì tỉnh thành nào trên cả nước cũng đều được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh như trường hợp đúng tuyến.

Lưu ý: Quy định mới chỉ áp dụng khi khám chữa bệnh điều trị nội trú. Nếu đi khám khám bệnh, điều trị ngoại trú tuyến tỉnh thì Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả mà người bệnh sẽ phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Để làm rõ về quy định này, ông Lê Văn Phúc (ảnh) - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết:

"Thuật ngữ "thông tuyến" không có trong Luật BHYT mà chỉ được mọi người gọi vắn tắt như vậy. Cụ thể, theo Luật BHYT từ ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi điều trị nội trú tại bất cứ bệnh viện (BV) tuyến tỉnh nào cũng đều được Quỹ BHYT chi trả trong phạm vi quyền lợi được hưởng như người khám chữa bệnh đúng tuyến. Ví dụ như người bình thường được BHYT chi trả 80% viện phí, người cận nghèo được chi trả 95%, người nghèo được chi trả 100%...

Điều này khác với trước đây, nếu đi khám ở tuyến tỉnh người có thẻ BHYT phải đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở BV tuyến tỉnh đó hoặc phải có giấy chuyển tuyến từ huyện lên mới được BHYT chi trả đúng theo mức hưởng. Còn từ 1/1/2021, người dân có thể đến thẳng tuyến tỉnh mà không cần thêm giấy tờ nào.

Hiện nay có có không ít người hiểu rằng "thông tuyến tỉnh" khám chữa bệnh BHYT là "mở toang" cho tất cả người bệnh. Nhưng tôi phải nhấn mạnh, quy định này chỉ dành cho người bệnh điều trị nội trú. Còn người ngoại trú vẫn phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.

Quy định này được áp dụng với tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh, một số bệnh viện ngành... Còn tuyến T.Ư như BV trực thuộc Bộ Y tế (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy...) và BV thuộc Bộ Quốc phòng thì vẫn không áp dụng quy định này".

Diệu Linh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem