Những chuyện chưa biết về thi sĩ Đoàn Văn Cừ

Thứ hai, ngày 15/02/2016 09:58 AM (GMT+7)
Nếu các thi sĩ ở thành phố cứ đến tết lại bận rộn với việc đi sắm hoa thì Đoàn Văn Cừ lại thong thả ra vườn ngắm hoa, chọn loại hoa ông thích mang vào nhà cắm.
Bình luận 0

Nói tiếng Pháp rành như tiếng mẹ đẻ, bôn ba không ít ở nơi phồn hoa nhưng thi sĩ Đoàn Văn Cừ vẫn luôn hướng về làng quê Việt bình yên, lam lũ. Nhờ vậy, ông có “Chợ tết” và một dòng chảy thi ca theo lối riêng, giữa thời văn chương nở rộ với nhiều gương mặt thi nhân xuất sắc. Cũng nhờ vậy, mà ông tìm được “một nửa” của mình, người đàn bà yêu thơ chồng đến mức thuộc làu. Bà đã 100 tuổi, vẫn sống trong ngôi nhà xưa cũ.

“Chợ tết”: Vẻ đẹp tích hợp

img

Đoàn Văn Cừ và vợ, cụ Nguyễn Thị Miều.

Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên, người con trai được Đoàn Văn Cừ dành trọn niềm tin tưởng, kể rằng: “Cha tôi không người nhà quê tí nào, ông vốn là một người tây học. 7 tuổi Đoàn Văn Cừ đã theo bố, vì mẹ mất sớm, bố giỏi tiếng Pháp, đi làm thông ngôn cho người Pháp ở Hà Nội. Bắt đầu bập bẹ tiếng Pháp từ đó, rồi được bố cho học tiếng Tây, ngay tại nơi cụ làm việc, khách sạn Metropole. Học đến năm 17 tuổi, bố mất, Đoàn Văn Cừ về quê bắt đầu dạy tiếng Pháp. Hơn 10 năm sống ở quê, ông cho ra đời “Chợ tết”.

Nhưng “Chợ tết” không thuần là chợ ở vùng quê Nam Định.  Trong quá trình rong ruổi theo cha trên những chặng đường công tác thời thơ ấu, Đoàn Văn Cừ đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của những vùng quê Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… Những bức tranh thiên nhiên ấy đã ám ảnh ông, để rồi đi vào  “Chợ tết” bằng những câu thơ mở đầu với núi đồi xinh đẹp: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/Người các ấp tưng bừng ra chợ tết”.

“Nếu như cảnh thiên nhiên được lấy ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ… thì cảnh chợ  chính là chợ Viềng, chợ Trung Lao, chỗ ông dạy học với “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”, “Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ”, “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ” v.v…”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể. Tuy nhiên, một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: “Bài “Chợ tết” có được sáng tác đúng dịp tết không?” thì Đoàn Văn Nguyên cũng chưa kịp hỏi cha. Chỉ biết rằng, bài thơ nổi tiếng này không có nhiều phiên bản, giống như một số bài thơ khác của Đoàn Văn Cừ thường được ông sửa đi sửa lại. Chỉ có một chi tiết nhỏ: Ông loay hoay giữa “Những người quê” và “Lũ người quê”. Về sau trong bản chép tay trước khi mất ông quyết định để “những người quê”: “Trên con đường đi các làng hẻo lánh/ Những người quê lũ lượt trở ra về”.

Viết về nông thôn, giữa thời văn chương khởi sắc, để tạo dấu ấn khác biệt, Đoàn Văn Cừ có ý thức chọn cho mình lối đi riêng:  Khắc họa nông thôn lam lũ. Cho nên không chỉ trong “Chợ tết” mà trong nhiều bài thơ khác của Đoàn Văn Cừ người ta thấy hình ảnh nông thôn Việt Nam đích thực,  khó nghèo nhưng ấm áp.

Người vợ quê trăm tuổi, thuộc thơ chồng 

Theo tây học nhưng tâm hồn thi nhân vẫn quẩn quanh chốn quê. Ngay cả việc chọn vợ, thi sĩ chọn vợ quê. Đoàn Văn Cừ có hai người vợ, đều xinh đẹp. Vợ đầu mất sớm, do hậu sản. Sau ông lập gia đình với một người con gái xinh đẹp, nết na, hay lam hay làm, chính là mẹ của họa sỹ Đoàn Văn Nguyên: “Mẹ tôi là người dân quê nhưng thông minh. Bây giờ cụ vẫn sống ở ngôi nhà của hai vợ chồng ngày xưa. Bà yêu thơ đến mức thuộc tất cả thơ chồng. Mỗi khi Đoàn Văn Cừ quên thơ, bà nhắc lại cho mà nghe.

img

Vợ thi sĩ Đoàn Văn Cừ và con trai - họa sỹ Đoàn Văn Nguyên - đang soạn lại kỷ vật của ông.

Có cô phóng viên hỏi: Bác ơi, bác có nhớ thơ Đoàn Văn Cừ không? Khi đó mẹ tôi đã gần 90 tuổi, vẫn đọc vanh vách: “Tôi yêu cô gái xứ quê/Ngày ngày đội chiếc nón mê ra đồng/Chăn trâu cắt cỏ vừa xong/Về nhà cô lại ra sông vớt bèo/Làm ăn chăm chỉ sớm chiều/ Thái khoai nấu cám mọi điều đảm đang…”. Đoàn Văn Nguyên tiết lộ đây chính là bài thơ thi nhân sáng tác để tán người con gái  quê, sau này thành vợ ông.

Bài thơ  được kết thúc bằng những câu rất đẹp nói về mộng ước sánh đôi của thi sĩ: “Mùa xuân đi đón nắng hồng/Mùa hè tìm bưởi, tìm hồng chín thơm/Mùa đông đi kín nước nguồn/Mùa thu nghe tiếng chim luồn trên cây”. Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên nói về mối tình của bố mẹ: “Ở quê, có cây đa. Chủ nhật không dạy học, bố tôi thường ngồi dưới tán cây nghỉ ngơi, ngắm các cô gái đi qua, ông chọn cô xinh nhất, tên cô ấy là Miều. Cô Miều cũng yêu văn chương, nên đã đồng ý làm vợ thi sĩ”.

Đoàn Văn Cừ không nhớ chính xác mốc thời gian sinh các con, ông thường lấy năm 1945 làm mốc. Như Đoàn Văn Nguyên được ông xác định: Sinh sau đói. Để qua được nạn đói năm 1945, thi sĩ cũng nhờ đến người vợ yêu chồng, mỗi lần về thăm nhà ngoại, vốn có của ăn, của để, bà lại cắp chút gạo cháy, mang về nuôi chồng. Sau này, Đoàn Văn Cừ làm việc ở Hà Nội, bà vẫn ở quê, chăm lo vườn tược, nuôi lợn, chờ đến tết  mổ lợn, tụ họp gia đình: “Những ngày cận tết vui lắm, mẹ tôi gọi hàng xóm sang giết lợn. Chúng tôi đứng xem, điếu đóm, đun nước sôi, sân nhà đầy lá bánh chưng, làng quê bốc mùi thơm rơm rạ. Giết lợn xong, đưa ra ao, những đứa trẻ con của hàng xóm, họ hàng vác rá chờ lấy thịt về. Lũ trẻ chúng tôi chờ suốt đêm 30 ăn bánh cóc, được làm từ gạo bánh chưng thừa”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể.

Những bữa ăn ngày tết ở quê thường linh đình, được chia làm hai mâm, thi sĩ Đoàn Văn Cừ ngồi cùng anh vợ và những người hàng xóm lớn tuổi  ở mâm trên, mâm còn lại cho lũ trẻ ăn uống, quậy phá với nhau dưới sự “cai quản” của phu nhân Đoàn Văn Cừ. Thi sĩ không biết uống rượu. Mâm cỗ được chế biến từ thịt lợn của nhà: Giò nạc, giò mỡ, nem chạo gồm thính làm từ gạo nếp, thịt mỡ thái chỉ, bì lợn luộc, hạt tiêu, gừng, bóp lại thành nắm: “Món nem chạo mở ra đĩa thơm nức, ăn ngọt ngon không món nào sánh bằng nhưng bây giờ đã mất hút vì nguồn nguyên liệu tươi không còn”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên nuối tiếc.

img

img

Bài Chợ tết bản chép tay của Đoàn Văn Cừ trước khi mất.

Ngày tết, Đoàn Văn Cừ mặc áo dạ, dẫn các con đi chúc tết. Đầu tiên tới nhà bà ngoại, tức cụ ngoại của Đoàn Văn Nguyên. Nhà bà ngoại đã từng đi vào thơ Đoàn Văn Cừ: “Bà tôi ở một túp lều tre/Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn bên rào dậu nứa/Xuân về hoa cải nở vàng hoe/Bà thấy tôi sang cảm động cười/Hai hàng lệ ứa chập chờn rơi/Đường trơn mưa gió trời ơi, rét/Tết nhất làm gì khổ cháu tôi”.

Nếu các thi sĩ ở thành phố cứ đến tết lại bận rộn với  việc đi sắm hoa thì Đoàn Văn Cừ lại thong thả ra vườn ngắm hoa, chọn loại hoa ông thích mang vào nhà cắm. Vợ ông trồng rất nhiều loại hoa, các loại hoa quen thuộc đều có. Đoàn Văn Cừ yêu hoa hồng nhung. Thi sĩ chọn bông hồng nhung to, bóng mượt, cắm vào lọ gốm. Trong bức tranh Đoàn Văn Nguyên vẽ cha đang ngồi sáng tác, bằng chất liệu sơn mài có cả bình hoa hồng khi xưa cha anh thích. 

Giản dị, khiêm tốn

Đức tính nổi bật của tác giả “Chợ tết” là giản dị, khiêm tốn hết mức. Ông bắt con gọi tất cả những người bạn của bố là bác, mặc dù họ kém xa tuổi thi nhân. Đoàn Văn Nguyên đã từng thắc mắc: “Cậu ơi, cậu nhiều tuổi hơn, phải gọi chú chứ?”. Ông nhắc con: “Không, con cứ gọi bác”.
Cho đến nay, Đoàn Văn Nguyên chỉ vẽ 5,7 bức về cha, trong đó có 2 bức dùng chất liệu sơn mài, vốn là chất liệu quen thuộc của họa sỹ. Thường vẽ một lần đã thành công luôn, không phải vẽ lại. Anh cũng đầu tư một khoản tiền không nhỏ để làm Đoàn Văn Cừ toàn tập (đoạt giải sách đẹp 2004), in 1.000 cuốn nhưng vẫn để kho, không mang ra thị trường. Có cậu sinh viên gọi điện hỏi Đoàn Văn Nguyên: “Chú ơi, cháu muốn mua Đoàn Văn Cừ toàn tập, mua ở đâu?”. Đoàn Văn Nguyên bảo: “Cậu yêu chữ nghĩa à? Đến đây tôi cho, không bán nhé”. Họa sỹ cười buồn: “Bây giờ mấy ai để ý chuyện văn chương, người ta chỉ quan tâm ăn và uống thôi”.

Nông Hồng Diệu (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem