Những chuyển động tại FLC "hậu" ông Trịnh Văn Quyết bị bắt

Huyền Anh Thứ hai, ngày 04/07/2022 15:23 PM (GMT+7)
Không chỉ có tân Chủ tịch từ ngày 2/7, Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát của FLC đến nay cũng đã xuất hiện những gương mặt mới so với trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch FLC bị bắt.
Bình luận 0

Hậu "cú sốc" Trịnh Văn Quyết, thượng tầng tại FLC gồm những ai?

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC công bố, miễn nhiệm chính thức chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty đối với ông Trịnh Văn Quyết kể từ 29/3 với tỷ lệ tán thành trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông dự họp đạt tới 99,326%.

Ngày 29/3 cũng là ngày ông Trịnh Văn Quyết, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Ông bị cáo buộc gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đại hội đồng cổ đông cũng quyết định miễn nhiệm chính thức chức vụ Thành viên HĐQT đối với bà Hương Trần Kiểu Dung kể từ ngày 8/4/2022. Trước khi miễn nhiệm, bà Hương Trần Kiểu Dung là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán BOS.

Ngoài ra, ĐHĐCĐ còn miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT trị đối với ông Lã Quý Hiển kể từ ngày 2/7 và miễn nhiệm cùng lúc chức vụ Thành viên Ban kiểm soát của 3 cá nhân là ông Nguyễn Chí Cương, bà Phan Thị Bích Phượng và ông Nguyễn Đăng cũng kể từ ngày này.

Hậu "cú sốc" Trịnh Văn Quyết: FLC "đòi khéo" trụ sở Cầu Giấy, thượng tầng "lộ diện" loạt gương mặt mới  - Ảnh 1.

Những gương mặt mới trong thượng tầng FLC sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. (Nguồn: FLC)

Cùng với động thái trên, Hội đồng Quản trị đã bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ năm 2021 – 2026.

Kết quả, ông Doãn Hữu Đoàn; ông Lê Bá Nguyên và ông Lê Thái Sâm được bầu bổ sung giữ các chức vụ thành viên Hội đồng quản trị Công ty nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Trong đó, ông Lê Bá Nguyên được lựa chọn vào vị trí Chủ tịch HĐQT của FLC kể từ ngày 2/7/2022.

HĐQT FLC cũng đã họp và thống nhất bầu bà Bùi Hải Huyền giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực và ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT FLC trong nhiệm kỳ này.

Ban Kiểm soát FLC cũng lộ diện 3 gương mặt mới gồm: Ông Nguyễn Xuân Hòa, ông Nguyễn Quang Thái và ông Nguyễn Tri Thống. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Hòa là Trưởng ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Như vậy, Hội đồng Quản trị của FLC hiện nay vẫn gồm 5 người, trong đó có 3 gương mặt mới là tân Chủ tịch FLC là ông Lê Bá Nguyên và 2 thành viên HĐQT là ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Thái Sâm, thay thế cho bà Hương Trần Kiểu Dung và ông Lã Quý Hiển.

Được biết, tân Chủ tịch Lê Bá Nguyên có hơn 17 năm kinh nghiệm quản trị kinh doanh với các chức vụ quản lý, lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp. Ông từng là thành viên HĐQT của Tập đoàn FLC từ 2013 đến 10/2017 và từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2020, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm ATS…

2 thành viên HĐQT đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch là bà Lê Hải Huyền (kiêm Tổng Giám đốc FLC) và ông Đặng Tất Thắng. Như vậy so với thời điểm trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, vị trí Phó Chủ tịch đã được chuyển từ bà Hương Trần Kiểu Dung sang bà Bùi Hải Huyền.

Động thái thú vị tại FLC

Trước đó, khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt vào hồi cuối tháng 3, vị trí Chủ tịch FLC được giao lại cho ông Đặng Tất Thắng (lúc đó là thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch FLC). Hiện, ông Thắng còn là Chủ tịch Bamboo Airways.

Trong thời gian ông Đặng Tất Thắng ngồi "ghế nóng" tại FLC trước khi chuyển giao lại cho tân Chủ tịch hiện nay là ông Lê Bá Nguyên, tập đoàn này đã có những động thái được cho là thú vị.

Cụ thể, ông Đặng Tất Thắng trên cương vị là Chủ tịch HĐQT đã ký Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐQT- FLC về việc thông qua một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Quản trị.

Theo Nghị quyết, FLC cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (mã FHH) mua lại tòa nhà trụ sở tại 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập.

Đồng thời, HĐQT Tập đoàn FLC cũng cho phép bán/chuyển nhượng tòa nhà này cho một bên khác với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà từ OCB.

Hậu "cú sốc" Trịnh Văn Quyết: FLC "đòi khéo" trụ sở Cầu Giấy, thượng tầng "lộ diện" loạt gương mặt mới  - Ảnh 3.

Trong thời gian ông Đặng Tất Thắng ngồi "ghế nóng" tại FLC trước khi chuyển giao lại cho tân Chủ tịch hiện nay là ông Lê Bá Nguyên, tập đoàn này đã có những động thái được cho là thú vị. (Ảnh: DV)

Được biết, OCB là một trong những chủ nợ lớn của FLC, với số dư nợ ngắn hạn tại ngày 31/3 là 713 tỷ đồng và 818 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Trong một động thái có liên quan, ngày 28/6 thay mặt HĐQT, ông Đặng Tất Thắng với vai trò là Chủ tịch FLC cũng đã ký ban hành Nghị quyết thông qua việc thế chấp dự án đầu tư khu A, khu B và khu C - khu biệt thự nhà ở thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư cho OCB để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của FLC và công ty TNHH Một thành viên FLC Land phát sinh tại ngân hàng này.

Mục đích bảo đảm là để đổi chấp một phần và/hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ nêu trên và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho công ty.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo OCB, FLC thu xếp được nguồn lực, OCB sẵn sàng tạo điều kiện để FLC chuộc lại tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem