Những đặc sản OCOP nào của huyện Tam Đường ở Lai Châu đang "chiếm lĩnh" thị trường toàn quốc?

Vinh Duy – Bảo Anh Thứ sáu, ngày 24/06/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo ra luồng gió mới cho ngành nông nghiệp huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu)...Giờ đây, đặc sản, nông sản của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu không chỉ chinh phục thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường cả nước.
Bình luận 0

Clip: Huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) đưa sản phẩm OCOP vươn thị trường bên ngoài tỉnh Lai Châu.

Tam Đường ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2021 diễn ra vào cuối tháng 11, huyện Tam Đường có 4 sản phẩm tham gia dự đánh giá, phân hạng và cả 4 sản phẩm đều đạt OCOP 3 sao. 

Trong đó, sản phẩm Chẳm chéo Lực Lệ của Cơ sở sản xuất Lực Lệ tại bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu) được đánh giá cao bởi mẫu mã đẹp và chất lượng sản phẩm tốt.

Tam Đường: Đưa sản phẩm OCOP vươn thị trường ngoại   - Ảnh 2.

Bà Mùng Thị Lệ, quản lý cơ sở sản xuất Lực Lệ (bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chia sẻ về các sản phẩm chẳm chéo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Vinh Duy

Điểm nổi bật đối với Chẳm chéo Lực Lệ được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi cả 3 loại: chẳm chéo thường, chẳm chéo đặc biệt và chẳm chéo ướt đều được kết hợp từ rất nhiều nguyên liệu khác nhau có sẵn trong tự nhiên như: ớt, mắc khén, lá chanh, hạt dổi… mang hương vị ẩm thực đặc trưng của dân tộc Thái, Giáy ở vùng Tây Bắc.

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cơ sở sản xuất đã chú trọng đa dạng hình thức quảng bá; hoàn thiện hơn về nhãn mác. Ngoài các sản phẩm đã có thương hiệu, cơ sở còn chế biến theo nhu cầu, khẩu vị của người dân từng vùng, miền. 

Nhờ đó, số lượng hàng xuất bán tăng nhanh. Tính riêng từ đầu năm đến nay, cơ sở xuất bán khoảng gần 30.000 lọ chẳm chéo các loại, trong đó có 1 lô hàng sang thị trường Châu Âu, đây là tín hiệu vui hứa hẹn một thị trường lớn mang lại nguồn thu lớn cho sản phẩm này.

Chia sẻ với phóng viên, bà Mùng Thị Lệ, quản lý cơ sở sản xuất Lực Lệ (bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho biết: Bước đầu kinh doanh cơ sở sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ. Sau đó, qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân, lượng khách hàng cũng đã dần tăng lên. 

Tam Đường: Đưa sản phẩm OCOP vươn thị trường ngoại   - Ảnh 4.

Các sản phẩm chẳm chéo của cơ sở sản xuất Lực Lệ được khách hàng ưa dùng. Ảnh: Bảo Anh

Thông qua mạng xã hội (facebook, zalo) cơ sở sản xuất đã đăng mặt hàng này lên trang cá nhân, các hội, nhóm để bán. Nhờ đó, kết nối được với rất nhiều khách hàng từ khắp mọi miền Tổ quốc. Mới đầu khách hàng đặt số lượng ít để kiểm tra chất lượng, sau đó thấy chẳm chéo thơm, ngon nên đã đặt hàng với số lượng nhiều hơn.

Đến nay, sản phẩm chẳm chéo đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, có chỗ đứng trên thị trường, trung bình mỗi tháng bán ra thị trường từ 6.000-7.000 hộp, những tháng cao điểm vào dịp giáp tết Nguyên đán số lượng khoảng 8.000-10.000 hộp, trừ các khoản chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập từ 70-90 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất cũng đang hoàn tất thủ tục để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Phấn đấu nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao trong năm 2022.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) cho biết: Sau gần 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm đạt 3 sao gồm cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ngũ Chỉ Sơn; mật ong hoa tự nhiên Tam Đường của Hợp tác xã Ong Vàng; Trà cổ thụ Pu Ta Leng thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường; sản phẩm chẳm chéo, chuối, chanh leo, mây che đan, miến dong…

Nhiều giải pháp đưa OCOP Tam Đường xuất ngoại

Để đạt những kết quả đó, huyện Tam Đường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của chương trình, đồng thời phối hợp với đơn vị tư vấn, các chủ thể chuẩn bị sản phẩm, hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận. 

Thông qua đó, các sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến, mức tiêu thụ tăng từ 10 - 20%, giá trị thương mại từng bước nâng lên. Đây là cơ sở quan trọng để Tam Đường phấn đấu trong năm 2022, nâng hạng một số sản phẩm cũng như có thêm 5 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận.

Tam Đường: Đưa sản phẩm OCOP vươn thị trường ngoại   - Ảnh 5.

UBND huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) sẽ tiếp tục giúp cơ sở sản xuất quảng bá sản phẩm chẳm chéo để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Ảnh: Vinh Duy

Riêng sản phẩm chẳm chéo từ lâu đã trở thành một loại gia vị truyền thống của người dân Tây Bắc và là loại gia vị được dùng phổ biến trong các món ăn hàng ngày. Chẳm chéo được dùng để làm gia vị, ướp các món nướng, tạo nên những món ăn ngon, hấp dẫn. 

Nhờ hương vị thơm ngon, sản phẩm chẳm chéo của cơ sở sản xuất Lực Lệ (bản Sân Bay, thị trấn Tam Đường) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Về phía UBND huyện sẽ tiếp tục quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Có thể khẳng định, chương trình OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của huyện Tam Đường cũng như trong toàn tỉnh Lai Châu. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp được nâng cao, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường: ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem