Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 3): Nữ tướng biên giới

Mai Vân Thứ bảy, ngày 30/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Chúng tôi gọi họ là những “nữ tướng”, dù công việc của họ không hô mưa gọi gió, quyền uy cao sang gì. Họ chỉ đơn giản làm những công việc được giao, cần mẫn và nhẫn nại ở những vùng đất gập ghềnh mà mỗi bước đi phải bấm chặt chân xuống đá.
Bình luận 0

20 năm vác tù và hàng tổng

Hôm chúng tôi gặp bà Nông Thị Hợp (Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang), bà nói đang bận lắm. Những ngày đầu năm cuối năm, trưởng thôn luôn nhiều việc. 20 năm nay bà đã là trưởng thôn Giang Nam - thôn địa hình trải dài và phức tạp ở Thanh Thủy, Hà Giang.

Bà Hợp người gốc Thanh Thủy. Những năm 79-80, bà cũng theo gia đình đi sơ tán ở Bắc Mê. "Hồi ấy Bắc Mê làm ăn khó, đường đi cũng khó, nên tôi bàn với chồng quay lại quê cũ", bà kể. Lúc về, nơi xưa kia là nhà, là ruộng thì chỉ còn những búi lau sậy ba bốn người ôm không hết, nhà cửa chỉ còn đống gạch vụn. Hai vợ chồng mỗi ngày phát từng chút một làm nương. Hai ba ngày cả hai mới dựng xong cái nền nhà be bé. Vụ mùa đầu tiên, bà bán 2kg ngô đổi được 1kg gạo. Năm đó bà được 45 tạ ngô, thế là mừng lắm, không còn lo đói nữa.

Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 3): Nữ tướng biên giới - Ảnh 1.

Hơn chục năm sau, bà những tưởng đã chẳng cần lo nghĩ thì nhà nước tới vận động thu hồi nương để xây cửa khẩu Thanh Thủy. Cả nương cả nhà bà được đền bù chưa đến 40 triệu. Bà lại khăn gói tìm tới Nà La khai hoang tiếp. Được vài năm, người ta lại thu hồi ruộng để làm chợ biên mậu. Bây giờ bà bảo chỉ còn ngôi nhà, không còn ruộng, nhưng không vì thế mà bà buồn.

"Việc thôn bản cũng bận nên mình cũng chẳng buồn đâu", người phụ nữ bé nhỏ nhưng chắc nịch phẩy tay. Mấy ai có cái suy nghĩ bao dung ấy, nhất là khi mất đi những mảnh đất mà mình đã bổ từng nhát cuốc khai hoang, từng run rẩy khi vô tình bổ trúng phải mìn - chỉ nhờ may mắn thần kỳ mà mìn không nổ. Nhưng cũng vì đi qua những năm tháng khó khăn ấy, nên bà Hợp hiểu những hy sinh: "Không có nương thì mình cũng tiếc một tí nhưng mà nhà nước sử dụng cho mục đích chung nên mình vui chứ".

Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 3): Nữ tướng biên giới - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Tương gặp lại những cựu binh biên phòng. Ảnh: Mai Vân

Những “đại thụ” vùng biên cương (bài 3): Nữ tướng biên giới - Ảnh 3.

Những người phụ nữ như thế, trên những dải đất vùng cao này, nhiều lắm. Họ mải miết đâu đó giữa các triền đá, lặng lẽ đâu đó trong những căn nhà với những vò rượu ngon chờ bạn bè tới. Và họ sẽ cười nhẹ nhõm khi nói về những ngày tháng vất vả đã qua.

Hồi mới về lại quê cũ, chẳng có ai chịu nhận chức trưởng thôn. Người ta đùn đẩy nhau rồi chỉ sang bà Hợp, vậy là bà làm. Thôn đã qua 3-4 đời chủ tịch, duy có chức trưởng thôn thì vẫn chỉ bà nhận, với trợ cấp hồi đó là 80.000/tháng. Năm 1994 chồng bà qua đời, bà lẳng lặng nuôi 2 đứa con, lưng gùi con, chân đi bộ tới từng nhà làm nhiệm vụ.

Bà bảo đi khó nhất là tới khu vực 40 hộ người Mông ở cạnh cột mốc đường biên, đoạn từ mốc 263 đến 265: "Mình đi lại nhiều lần lắm, ban đầu người ta còn nghi ngờ, nhưng mà đã tin rồi là họ nghe hết". 40 hộ dân đó bây giờ là thành phần nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Hôm tôi gặp bà Hợp, là bà vừa đi gặp một hộ dân để hoà giải tranh chấp đất đai. Thôn Giang Nam địa bàn phức tạp, khó khăn, có những đoạn phải đi bè qua sống, có những hộ dân vẫn còn sống ở khu vực chưa nối được điện lưới quốc gia. Người phụ nữ 60 tuổi ấy giờ nhà không còn nương sản xuất, thi thoảng bà vẫn đi làm thuê, phơi ván nhận khoảng 100.000/ngày công.

Cô Tương làm đường

Năm 2019, tôi hỏi Đồn biên phòng Lũng Làn (bây giờ là Đồn biên phòng Sơn Vĩ), rằng ở đây ai là người có uy tín hơn cả, mấy anh em đều nhắc tới cô Tương.

Người phụ nữ tròn 60 tuổi tự giới thiệu về mình rằng: "27 năm 8 tháng làm cán bộ xã, 12 năm làm Bí thư Đảng ủy xã". Năm 1979, ngay những ngày tháng 2, bà vẫn cùng thanh niên xã đi làm đường - con đường để nối tuyến chính Hạnh Phúc tới các xã biên giới: "Lúc đó mình đi làm năm hôm mới về, về mới biết mọi người đã đi sơ tán hết". Bà Tương bảo ở Mèo Vạc này, chẳng con đường nào bà chưa đi qua, con đường nào cũng có bàn tay bà cùng thanh niên dân công phá đá mở lối. Từ Sơn Vĩ, Xín Cái, Lũng Pù,… người phụ nữ ấy đã phụ trách nổ mìn, dùng xà beng, búa tạ tạo ra những lối đi đầu tiên. "Khó nhất là tuyến Khau Vai, nổ mìn mãi không xong"- bà cười kể lại.

Bà Tương nhớ có lần nổ mìn phá đá đoạn Nậm Ban, lúc thi công có 3 người bị thương, một người tử vong. Hồi ấy xe cấp cứu không có, chỉ có chiếc xe của huyện đội đi một đoạn là phải dừng lại sửa. 6 giờ tối giữa rừng núi âm u, bà lại lặng lẽ quẹt nước mắt đưa người không may mắn về bản. Đi suốt một đêm, mãi tới 5 giờ sáng họ mới về tới nơi.

Cuộc đời bà Tương gắn với biên giới, với những con đường, những cột mốc. Anh em biên phòng biết bà, vì đã không ít lần, bà cùng mọi người đi tuần mốc nhiều ngày trong rừng...

Có một điều bà ít kể, ấy là trong những năm đấu tranh chống lần chiếm, bà là một trong nhiều gương mặt hàng rào chủ quyền sống, đứng chặn không cho phía bên kia cuốc đất xâm phạm đến ruộng nương của người Việt Nam.

Những người phụ nữ như bà Hợp, bà Tương, trên những dải đất vùng cao này, nhiều lắm. Họ mải miết đâu đó giữa các triền đá, lặng lẽ đâu đó trong những căn nhà với những vò rượu ngon chờ bạn bè tới. Và họ sẽ cười nhẹ nhõm khi nói về những ngày tháng vất vả đã qua. Bởi vì không ai làm, thì mình phải làm thôi, triết lý của họ đơn giản vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem