Những doanh nghiệp có "truyền thống" thù lao 0 đồng

N.Minh Thứ ba, ngày 09/03/2021 14:00 PM (GMT+7)
Kết quả kinh doanh tích cực song nhiều sếp lớn ở một số công ty sẵn sàng nhận thù lao 0 đồng cho cả năm cống hiến. Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm liền.
Bình luận 0

Loạt Chủ tịch doanh nghiệp nhận thù lao 0 đồng năm 2020

Báo cáo tài chính vừa kiểm toán của FPT do ông Trương Gia Bình làm Chủ tịch cho thấy, năm 2020 doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ đóng góp 56% với 16.805 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỷ đồng, tăng 10,3% so với 2019. Khối giáo dục và đầu tư đóng góp 5%.

Điều đáng nói, mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng trong năm 2020, Chủ tịch Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc và ủy viên Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo nhận thù lao 0 đồng.

Trong khi đó, 2 ủy viên HĐQT là ông Hamaguchi Tomokazu (nguyên Chủ tịch kiêm CEO của NTT Data Corporation, Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ thông tin Nhật Bản) và ông Dan E Khoo (Chủ tịch danh dự Liên minh Công nghệ thông tin Thế Giới WITSA) nhận thù lao 2,326 tỷ đồng/năm, tương đương 193,8 triệu đồng/tháng.

Cũng giống như trường hợp của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng không ngoại lệ với 7 năm liên tiếp "từ chối" thù lao của doanh nghiệp.

Còn nhớ, tại phiên họp ĐHĐCĐ năm 2018, việc các thành viên trong HĐQT VCSC không nhận thù lao đã gây tò mò cho không ít cổ đông. Trước mối băn khoăn này, bà Nguyễn Thanh Phượng cho biết: "Gần như từ lúc niêm yết đến giờ VCSC chỉ nhận thù lao một năm duy nhất. Chúng tôi vẫn duy trì truyền thống không nhận thù lao, không có một lý do gì cụ thể".

Sếp doanh nghiệp nhận thù lao 0 đồng: Người không lý do, kẻ vì “tình thế”? - Ảnh 2.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang nhận thù lao 0 đồng năm 2020

Tương tự, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Tập đoàn Masan do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT, cổ đông Masan đã phê duyệt mức thù lao 0 đồng cho lãnh đạo cấp cao. Thực tế, đây không phải là năm đầu tiên lãnh đạo tập đoàn này từ chối nhận thù lao. Theo nguồn tin của Dân Việt thì tất cả các thành viên trong hội đồng quản trị của công ty này đã không nhận thù lao từ năm 2012.

CTCP Hùng Vương của "vua cá" Dương Ngọc Minh cũng duy trì "thói quen" không chi thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát kể từ khi lợi nhuận của doanh nghiệp rơi vào "tình thế" suy giảm lợi nhuận.

Thậm chí, Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh còn quyết định không chi trả cổ tức do công ty ghi nhận lỗ lũy kế. Đến cuối năm 2019, Thủy sản Hùng Vương lỗ ròng 1.075 tỷ đồng, lỗ lũy kế của luỹ kế 1.489 tỷ đồng.

Được biết, lần gần nhất công ty thông báo chi thù lao cho ban lãnh đạo là năm 2013. Khi đó Chủ tịch Dương Ngọc Minh và các thành viên Hội đồng quản trị nhận 10 triệu đồng một tháng, còn thành viên Ban kiểm soát nhận 5 triệu đồng.

Thù lao 0 đồng, cổ tức vẫn "khủng"

Sếp doanh nghiệp nhận thù lao 0 đồng: Người không lý do, kẻ vì “tình thế”? - Ảnh 3.

Lịch chia cổ tức của FPT

Dù không nhận thù lao, song trên cương vị Chủ tịch của FPT, ông Trương Gia Bình với trên 55 triệu cổ phiếu FPT đang nắm giữ, mỗi năm ông Trương Gia Bình vẫn nhận về hàng chục tỷ đồng tiền cổ tức.

Đơn cử như năm 2020, FPT có 2 lần chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%/lần. Như vậy, ông Bình đã có khoảng 100 tỷ bỏ túi trong năm này.

Hay như tại Masan, sau nhiều năm "khất cổ tức", cuối năm 2020 vừa qua Masan bất ngờ thực hiện chi trả cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, ông Nguyễn Đăng Quang thông qua việc nắm giữ gián tiếp khoảng 250 triệu cổ phiếu MSN, nguồn tiền mặt thu về đợt này khoảng 250 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem