Cổ tức doanh nghiệp thuỷ sản: Cuộc "so kè" giữa đại gia Lê Văn Quang và "thuyền trưởng" Trần Văn Phẩm

Quang Dân Chủ nhật, ngày 19/09/2021 08:45 AM (GMT+7)
Trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu thuỷ sản luôn tăng và đây là lý do khiến các doanh nghiệp thuỷ sản luôn duy trì cổ tức ở tỷ lệ cao, từ 20 - 50%. Năm nay, như thường lệ STAPIMEX của "thuyền trưởng" Trần Văn Phẩm lại gây được sự chú ý của giới đầu tư.
Bình luận 0

Cuộc "so kè" giữa đại gia Lê Văn Quang và "thuyền trưởng" Trần Văn Phẩm

Đến thời điểm hiện tại, đa phần các doanh nghiệp thủy sản đã tiến hành xong Đại hội đồng Cổ đông năm 2021. Từ đó, đặt ra kế hoạch kinh doanh bao gồm doanh thu, lợi nhuận và mức trả cổ tức cho cổ đông trong năm.

Đơn cử như đối với CTCP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) của "thuyền trưởng" Trần Văn Phẩm ngày 30/6/2021, HĐQT STAPIMEX đã ra Nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 cho Cổ đông công ty với tỷ lệ là 50%/mệnh giá (5.000 đồng/CP) bằng hình thức tiền mặt. Thời gian chi trả từ 14-20/7/2021 tại Phòng kế toán tài vụ Công ty.

Như vậy, STAPIMEX  tiếp tục "gây sốc" cho giới đầu tư khi chia thực hiện chia cổ tức cho các cổ đông bằng tiền, tỷ lệ 100%, duy trì được tỷ lệ cổ tức bằng tiền trên 50% trong 7 năm liền. Và là một trong những doanh nghiệp thủy sản có mức trả cổ tức cao nhất trong ngành.

Đáng chú ý hơn, trong 10 năm trở lại đây, vị thế của STAPIMEX trong bảng xếp hàng Top 10 dù có sự trồi sụt nhưng vẫn ổn định ở vị trí Top 3 trong các năm 2013, 2015, 2016. Ngoài ra, thành quả đạt được trong năm 2020, cũng giúp STAPIMEX lần thứ 2 trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 2 của năm (lần đầu vào năm 2014).

Không dừng lại ở đó, STAPIMEX vượt mặt Tập đoàn Minh Phú của ông Lê Văn Quang để trở thành doanh nghiệp tôm báo lãi lớn nhất năm 2020 với lãi ròng đạt 757 tỷ đồng cao gấp 1,2 lần "vua tôm" Minh Phú (617 tỷ đồng) và 3,3 lần Fimex VN (225 tỷ đồng).

Những doanh nghiệp thủy sản trả cổ tức cao nhất ngành, họ là ai? - Ảnh 1.

Nguồn: STAPIMEX

Một Công ty thủy sản khác cũng thông báo mức chi trả cổ tức ấn tượng là CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) của đại gia Lê Văn Quang khi HĐQT đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 50-70%, gấp 2-3 lần mức trả cổ tức năm 2020 ( trả bằng tiền mặt tỷ lệ 20%).

Như vậy, với hơn 199 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Thủy sản Minh Phú có thể sẽ chi ra khoảng 1.393 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tại Đại hội đồng Cổ đông năm 2020, HĐQT Thủy sản Minh Phú cũng đã thông qua kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ 50%, song thực tế mức cổ tức cổ đông nhận được chỉ có 20%. Do đó, chỉ tiêu này của Thủy sản Minh Phú cũng sẽ vẫn là một dấu hỏi lớn cho cổ đông công ty này.

Trước đó, năm 2018, Thủy sản Minh Phú cũng đã trả cổ tức 50% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2019 tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt của Minh Phú giảm xuống còn 15%.

Về tình hình kinh doanh, sau 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thuỷ sản Minh Phú đạt 6.102 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng đạt 276 tỷ đồng, tăng 20%. Qua đó Minh Phú mới đạt chưa đến 40% kế hoạch doanh thu, đồng thời chỉ cán mốc 25% lợi nhuận.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9, cổ phiếu MPC hiện đang giao dịch ở ngưỡng 40.400 đồng/cp, tăng 0,5% so với phiên giao dịch liền kề. Tính từ đầu năm 2021, cổ phiếu Thủy sản Minh Phú đã tăng 39%.

Vĩnh Hoàn của "Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh duy trì ở ngưỡng 20%

Trong khi đó, CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) của nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục duy trì mức chi trả cổ tức năm 2021 ở tỷ lệ 20%.

Trước đó, năm 2018, VHC đã từng trả cổ tức lên đến 40% bằng tiền mặt (4.000 đồng/cp). Năm 2019, doanh nghiệp thực hiện tỷ lệ trả cổ tức 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận cổ tức 1 cổ phiếu) và năm 2020, tỷ lệ trả cổ tức là 20%.

Mới đây, Vĩnh Hoàn công bố kết quả kinh doanh tháng 8, có tổng doanh thu đạt 705 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng trước. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu cũng giảm tốc do Việt Nam thắt chặt giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19.

Cổ tức doanh nghiệp thuỷ sản: Cuộc "so kè" giữa đại gia Lê Văn Quang và "thuyền trưởng" Trần Văn Phẩm - Ảnh 2.

Nguồn: Nghị quyết HĐCĐ năm 2021 các DN.

Trên thị trường, cổ phiếu VHC ở ngưỡng 51.800 đồng/cp, giảm 1,15% so với phiên giao dịch trước đó nhưng tăng 23% kể từ đầu năm.

Cùng chi trả cổ tức 20% trong năm 2021 còn có CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HOSE: ABT), CTCP Thủy sản Cà Mau (UPCoM: CAT).

Đáng chú ý, đối với ABT năm 2019 đã từng trả cổ tức lên đến 30%. Thế nhưng, sang năm 2020 Thủy sản Bến Tre chỉ trả cổ tức 10%.

Hiện cổ phiếu ABT đang giao dịch ở mức 27.100 đồng/cp, giảm 0,73% so với phiên giao dịch liền kề và 1% kể từ đầu năm.

Đôi với CAT, doanh nghiệp này có mức trả cổ tức không ổn định trong 3 năm gần nhất, nhưng vẫn duy trì ở tỷ lệ khá cao, năm 2019 là 18% và năm 2020 lên tới 30%.

Cổ phiếu CAT hiện ở ngưỡng 23.900 đồng/cp, tăng 1,70% so với phiên giao dịch trước đấy và 74% kể từ đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem