Những lĩnh vực vẫn không ngừng tăng trưởng trong “cơn bão” Covid-19

Trung Kiên Thứ hai, ngày 20/04/2020 04:55 AM (GMT+7)
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh như hàng không, khách sạn, nhà hàng, du lịch,... bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, trong “cơn bão” của dịch bệnh vẫn có một số lĩnh vực đã chớp được cơ hội để có sự phát triển mạnh mẽ.
Bình luận 0

Bán hàng trực tuyến lên ngôi trong mùa dịch Covid-19

Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã khiến nhiều người mất việc làm và giảm thu nhập. Người dân cũng ngại ra đường, mua sắm ở những nơi đông người. Chính vì thế, trong thời gian này mua sắm online trở thành một xu hướng được nhiều người sử dụng.

Nhiều người đã tìm đến công việc bán hàng online để cải thiện thu nhập cho gia đình. Chính vì thế, các trang thương mại điện tử hay chợ chung cư luôn hoạt động nhộn nhịp.

img

 Để tăng thêm thu nhập, nhiều người tự chế biến các món ăn để bán online – Ảnh Minh Châu

Theo Cục thương mại Điện tử và kinh tế số, thống kê từ các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki hay Shopee,... cho thấy người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước đây. Trong giờ cao điểm, Tiki nhận được 3.000-4.000 đơn hàng mỗi phút. Sàn SpeedL cũng cho biết từ khi dịch Ccovid-19 bùng phát, lượng đơn hàng của sàn này tăng 150-200% so với trước…

Dù mới chú trọng kênh mua sắm online trong thời gian gần đây nhưng Saigon Co.op cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Chỉ tính từ ngày 16/3 tới hết ngày 31/3, Saigon Co.op đã ghi nhận 10.000 đơn hàng online từ người tiêu dùng thông qua ứng dụng Zalo, Viber.

Ông Trịnh Anh Tuấn Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã chỉ ra rằng: “Thương mại điện tử tại Việt Nam đã diễn ra rất mạnh mẽ. Theo thống kê, chỉ số tăng trưởng thương mại điện tử trung bình là 25%”. 

Theo số liệu báo cáo Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/03, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng, Sendo với 27.2 triệu lượt/tháng, Lazada với 27 triệu lượt/tháng và Tiki với 24.5 triệu lượt/tháng. 

Theo báo cáo eConomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Công ty dữ liệu và phân tích GlobalData cũng cho rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 9,4 tỷ USD của năm 2019.

Nghề giao hàng phát triển mạnh cùng xu hướng mua bán online

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản lượng bưu gửi (thư, gói, bưu kiện hàng hóa) đi quốc tế từ đầu năm 2020 đến nay của một số doanh nghiệp lớn bị sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, như Vietnam Post giảm khoảng 10%, Viettel Post giảm 10-20%, DHL giảm 30-40%...

Tuy nhiên, với việc người tiêu dùng thay đổi thói quen khi tăng mua sắm online, ngồi ở nhà đặt hàng nên các doanh nghiệp chuyển phát đang phất lên từ việc giao hàng hóa cho các kênh thương mại điện tử.

img

Nhiều người bị mất việc làm bởi dịch Covid-19 đã gia nhập các hãng xe công nghệ làm nghề giao hàng để có thu nhập

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị đạt mức doanh thu cao gồm: Viettel Post ước đạt gần 400 tỷ đồng/tháng, Giao Hàng Nhanh đạt hơn 160 tỷ đồng/tháng, Tiki đạt trên 40 tỷ đồng/tháng.... Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cho biết năm 2020 tổng công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trên 633 tỷ đồng.

Với những hãng xe công nghệ như Grab và GoViet cũng có những chiến lược nhanh nhạy trước những tác động của dịch Covid-19.

Grab mở rộng dịch vụ GrabMart đến Hà Nội, tiếp tục triển khai dịch vụ mua hộ hàng hóa GrabAssistant tại Việt Nam. GrabFood ra mắt tính năng đơn hàng hẹn trước cho phép người dùng hẹn giờ giao món trước đến 48 tiếng đồng hồ. Và hãng cũng cho chuyển đổi tài xế Grabcar sang làm Grabbike để tận dụng lượng tài xế có sẵn nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng ngày càng lớn của thị trường.

Về phía Goviet, hãng cán mốc 200 triệu đơn hàng chỉ sau 18 tháng hoạt động tại Việt Nam. Số lượng đơn hàng đã tăng gấp đôi chỉ sáu tháng sau khi GoViet cán mốc 100 triệu đơn hàng vào tháng 8 năm 2019. Hiện GoViet kết nối hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng với hàng triệu người dùng Việt Nam.

Theo Euromonitor, riêng thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam được kỳ vọng đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020 và tốc độ tăng trưởng trung bình 11% một năm.

Theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường IDEA, năm 2020 dịch vụ giao nhận tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở cả hai kênh bán lẻ và thương mại điện tử. Đơn vị này ước tính, các công ty giao nhận ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức 30-40% từ mức tăng trưởng của quy mô thị trường là 20% và từ việc giành thị phần của các công ty lớn.

Thanh toán online tăng trưởng vượt bậc do người dân ngại sử dụng tiền mặt

Sự phát triển của lĩnh vực mua bán hàng online kéo theo sự thay đổi thói quen về thanh toán của người tiêu dùng. Theo đó, trong mùa dịch Covid-19, người dân đang có xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt, thay vào đó là sử dụng nhiều hơn các hình thức thanh toán online để tận dụng những ưu đãi từ ngân hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử.

img

Người dân có xu hướng mua đồ tại các siêu thị nhiều hơn bởi dễ dàng sử dụng các các phương thức thanh toán online

Đại diện ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết thời gian qua ngân hàng đã khuyến khích khách hàng sử dụng nền tảng ngân hàng số để hạn chế tối đa việc giao dịch trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo các nhu cầu giao dịch tài chính an toàn của khách hàng. Ngân hàng đã thực hiện việc miễn phí thường niên, phí chuyển tiền, miễn phí giao dịch trên các nền tảng ngân hàng số cho các khách hàng giao dịch online lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Theo đại diện của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đến ngày 16/3 đã có 39/45 ngân hàng triển khai chương trình miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán tương ứng với 99,6% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ qua hệ thống NAPAS. Sau thời gian giảm phí dịch vụ, lượng giao dịch giá trị nhỏ tăng từ 21% lên 25% tổng số giao dịch qua hệ thống NAPAS.

Trong tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng giá trị nhỏ qua NAPAS tăng hơn 32% so với tháng 2/2020. Điều này cho thấy, khách hàng đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế những tác động từ Covid-19.

Bà Nguyễn Tú Anh – Chủ tịch HĐQT NAPAS - cho biết tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống NAPAS tăng 76% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem